Insane

Chào mừng các bạn đã ghé thăm SinhVien.Wen.Ru hãy Save Bookmark bằng Opera mini để tiện truy cập nhá.
Danh mục
Truyện dài

Đôi lời cùng bạn đọc

Ngày 9 tháng 4 năm 1988, tôi bay từ Đài Loan đến Bắc Kinh, mở đầu chuyến thăm cố quốc đầu tiên của tôi, sau ba mươi chín năm trời xa cách.
Qua chuyến đi này, tôi đã viết một cuốn sách lấy tên là "Tình quê hương không bao giờ dứt", tưởng đã nói đủ cảm xúc và những gì đã trải qua trong cuộc hành trình này, nên tôi  không nhắc lại.
Thời gian ở Bắc Kinh, có nhiều bạn bè và độc giả đến thăm tôi, mang theo các tác phẩm  Quỳnh Dao và các bài viết về Quỳnh Dao do các nhà xuất bản ở đây ấn hành. Tôi vồ lấy đọc  mới biết rằng những gì hơn nửa đời người mà tôi đã làm, đã trải, đều được sách vở và báo chí  ở đây nhắc đến, trong đó có nhiều vụ việc mà ngay chính bản thân tôi cũng không biết nữa.  Tôi cứ đọc và càng đọc càng thấy mình xao xuyến, xúc động. Thì ra, ở đất liền, tôi có biết bao  người bạn tốt, hằng quan tâm, theo dõi bước đi của mình. Tôi nghĩ, sau khi trở lại Đài Loan,  thế nào tôi cũng viết một cuốn sách nói thật về cuộc đời mình để sớm gởi đến bạn đọc.  Nguyện vọng này luôn đeo bám tôi, sau khi tôi đã về nhà, nhưng viết thế nào cho đúng là tôi  trong đời thật, quả hết sức khó! Người trong gương là tôi mà không phải là tôi; dưới con mắt  người đời là tôi mà cũng không phải tôi, sau này số phận dong duổi thế nào, tôi nào biết được,  còn trước mắt, với tôi, vẫn là cuộc thăm dò, tìm kiếm, thử nghiệm vô tận... Thôi thì, điều có  thể nói ra được là tất cả những gì đã đi qua đời mình vậy!
Đời tôi đã đi qua như thế nào? Thật lạ lùng, dẫu bụi thời gian che phủ, trước mắt tôi lúc  nào cũng hiện ra rõ mồn một biết bao giông tố bão bùng, biết bao cuộc tan họp đẫm đầy nước  mắt, tình yêu và lòng căm giận, khổ đau và cái chết rập rình suốt những năm tháng dài lưu  lạc. Đã là con người, ai cũng có niềm vui và nỗi buồn, tôi cũng vậy, nhưng lại ở mức độ hết  sức đậm đặc. Có thể nói quá khứ đời tôi là dòng hợp lưu của mồ hôi và nước mắt, cuồng vọng  và nỗi đau, đoàn tụ và ly biệt, cô đơn và giẫy dụa, mâu thuẫn và day dứt, lỗi lầm và ân hận...  Cứ vậy, tôi nhớ lại và sắp xếp mọi chuyện và ngỡ rằng đều là chuyện trong mơ, không phải  của chính bản thân mình. Dù sao công việc cũng đã xong, tôi xin gởi đến bạn đọc những  người bạn lúc nào cũng giành cho tôi sự quan tâm và lòng yêu mến chân tình.

Chương 1

Chào đời


Chuyện đời tôi bắt đầu từ trước khi tôi chào đời. Tôi xin kể về ba mẹ tôi trước.
Ba tôi tên Trần Chí Bình, quê nội ở Hành Dương tỉnh Hồ Nam, trưởng thành ở Bắc Kinh.
Mẹ tôi là Viễn Hành Như, quê nội ở Vũ Tiến, Tỉnh Giang Tô, cũng trưởng thành ở Bắc  Kinh.
Bắc Kinh, có thể coi đây là quê hương thứ hai của ba mẹ tôi, hai người lớn lên ở đây, gặp  nhau ở đây, yêu nhau ở đây, rồi cưới nhau cũng ở đây. Chuyện của hai người từ lúc gặp nhau  cho đến khi nên vợ nên chồng, mang đầy chất lãng mạn và thần kỳ. Hồi ấy, mẹ tôi học ở
trường nữ trung học Lưỡng Cát, ba tôi dạy tại trường nầy, lúc đầu chỉ là quan hệ thầy trò.  Nghe đâu cuộc hạnh ngộ giữa hai người phải đấu tranh dằn vặt dữ lắm, vì mẹ tôi vốn là tiểu  thư đài các của một gia đình quyền quý, gia giáo. Còn ba tôi chỉ là chàng trai độc thân ở Bắc  Kinh, cuộc sống có phần phóng khoáng vá không rõ gốc gác của ba tôi, ông ngoại rất đắn đo  chuyện hôn nhân của mẹ tôi. Ở tít tận Hồ Nam, ông nội biết chuyện, lập tức viết một thư rõ  dài cho ông ngoại để cầu hôn cho con trai. Nghe đâu, ông ngoại vừa đọc xong thư này liền  đắc ý, thốt lên:
- Hổ phụ sanh hổ tử! Văn chương bố hay thế này thì nhất định con không kém được.
Thế là ba mẹ tôi cưới nhau. Năm ấy, ba tôi hai mươi bảy tuổi, mẹ tôi vừa tròn hai mươi.
Hồi còn trẻ, tính cách mẹ tôi mạnh mẽ, hiếu thắng, sức học cũng khá. Lấy chồng xong, bà  không chịu bỏ học, nên vào trường nghệ thuật chuyên nghiệp Bắc Kinh, bắc đầu học vẽ.
Thực ra, các môm cầm, kỳ, thi, họa thuộc giáo trình bắt buộc của gia đình được mẹ học  liên tục ngay từ bé. Mẹ tôi rất đam mê hội họa và thơ phú.
Bao nhiêu việc xảy ra trước và sau khi tôi ra đời, tôi chỉ có thể bắt đầu bằng hai chữ "nghe  nói" mà thôi.
Nghe nói, khi ba mẹ cưới nhau, có kèm theo điều kiện: Cưới thì cưới, không được bỏ học!  Cho nên mẹ tôi chưa muốn làm mẹ, bà còn tiếp tục đi học. Nhưng nguyện vọng của mẹ không  đạt được, lấy chồng chẳng bao lâu thì có thai! (Đó không phải là tôi). Nghe nói, lúc đó mẹ buồn lắm, một mực muốn phá thai. Nhưng hồi đó, những hành vi và tư tưởng như vậy là vô  đạo đức, rất hoang đường, không thể chấp nhận được. Mẹ mang cái thai đầu tiên và phải nghỉ học, đầy sầu muộn.
Có một hôm, không biết vì lẽ gì, ba mẹ cãi nhau đến mức "kinh thiên động địa". Trong  cơn giận dữ mẹ đòi bỏ nhà ra đi. Thế là bà đùng đùng chạy vô buồng ngủ xách rương quần áo  lao ra. Thật rủi ro, ngay đêm hôm ấy mẹ bị sẩy thai, cái thai đã có hình hài bé trai, năm tháng  tuổi! Ba tôi buồn thương nuối tiếc vô cùng. Ba khóc thâu đêm suốt sáng trước di ảnh của bà  nội tôi.
Sau khi anh tôi mất, mẹ tôi lại tiếp tục đi học, nhưng chẳng được bao lâu, thế sự lại thay  đổi. Ba mẹ đành rời Bắc Kinh, nơi đã sống nhiều năm tháng để về Thành Đô thuộc Tứ Xuyên.  Đó cũng là lúc tôi và đứa em trai song sinh ra đời.
Về hai chị em tôi cũng có lắm chuyện đáng nói. Người ta kể rằng: Khi mẹ tôi biết mình có  thai lần nữa thì rất hoảng.
Bà chưa chuẩn bị để làm mẹ, lại đang chuẩn bị đi học tiếp! Một lần bà đòi đi bệnh viện  nạo thai, bác sĩ đành an ủi:
- Đừng vội, đừng vội, thai của chị hơi lớn, có vẻ không bình thường, để tôi chụp X quang  xem sao!
Cái mà X quang chụp được, thì ra là song thai, nằm khoanh trong bụng mẹ, một cái nằm  xuôi, một cái nằm ngược, trong rõ mồn một. Bác sĩ không kềm nỗi vui mừng:
- Bà sẽ sanh đôi đấy!
Nghe nói, khi nhìn phim chụp, thiên chức người mẹ bỗng bừng dạy mãnh liệt trong lòng  mẹ, bà yêu quí vô ngần bào thai này. Trở về nhà, bà hối hả báo tin vui cho mọi người và bắt  đầu chuẩn bị mọi thứ, từ áo quần, chăn đắp, gối trẻ con, nhất nhất đều mỗi thứ một cặp. Bà  nói với dì cậu của tôi:
- Chị sẽ sanh một lúc hai đứa con gái giống hệt hai nàng công chúa tuyệt xinh đẹp, chị sẽ làm cho chúng giống nhau từ kiểu tết đuôi sam, kết bướm, mặc váy lụa... rồi đưa chúng nó  dạo khắp các vườn hoa...
Mẹ tôi mơ màng bao chuyện đẹp. Hồi đó mẹ tôi còn rất trẻ mà! Nhưng, cái tin mẹ tôi sanh  đôi đã làm xôn xao cả dòng họ Viễn. Hồi đó, ông ngoại, bà ngoại đều ở Bắc Kinh. Có mấy  cậu và mấy dì đã lần lược dời đi Tứ Xuyên. Ba mẹ tôi cùng cậu năm, dì ba của tôi thuê chung  một căn nhà ở hẻm Bao Bố, phố Thử Miệt của Thành Đô. Trước khi tôi chào đời, mợ và các  dì đều giúp mẹ chuẩn bị đồ đạc chờ đón chúng tôi, cái gì cũng màu hồng phớt, toàn đồ con  gái. Mẹ tôi quả quyết bảo:
- Chị thích hai đứa con gái, không thích hai đứa con trai đâu, con gái dễ sửa soạn! "Nhất  định" chị phải đẻ một cặp con gái!
Mẹ tôi mạnh mẽ và tự tin như vậy đó, không ai dám nói khác ý bà, mặc dù khả năng sanh  con trai cũng lớn lắm. Còn ba tôi thì ngược lại, hình như ba muốn sanh con trai. Thứ nhất, ba  còn giữ tập tục cũ, thứ hai nữa cũng tại ba còn day dứt nỗi đau mất đi đứa con trai đầu lòng.  Nhưng trước mong muốn mãnh liệt của mẹ, ba không dám nói gì, vì sợ nói ra mẹ lại nổi cơn  tam bành như lần trước, chạy vào buồng ngủ bê rương bê hòm.
Thế rồi, tám giờ tối ngày 19 tháng tư năm một ngàn chín trăm ba mươi tám, mẹ bắt đầu  trở dạ, tại bệnh viện Nhân Tế ở Thành Đô.
Lẽ ra còn nửa tháng nữa mới sanh, nhưng bào thai trong bụng mẹ quậy dữ dội, cứ đòi ra  sớm.
Quá một giờ sáng ngày hai mươi tháng tư, tôi chào đời trước. Nằm trên giường sanh, mẹ tôi rặn muốn đứt cả hơi, tôi mới lọt lòng. Câu đầu tiên mẹ là:
- Con trai hay con gái?
- Con gái! Bác sĩ bảo.
Mẹ tôi mừng quá! Thế là có hai đứa con gái sanh đôi rồi.
Bà yên tâm thiu thiu ngủ, quên khuyấy trong bụng vẫn còn một đứa nữa. Bác sĩ lại tiếp tục  cổ vũ giục giã, mãi hai giờ đồng hồ mẹ mới sanh nốt đứa thứ hai.
Khi bác sĩ reo lên:
- Con trai!
Bà thất kinh, suýt nữa ngất xỉu. Em trai da đen, tôi da trắng. Em trai đầu to, tôi đầu nhỏ,  em trai chân mày rậm mắt to, tôi mũi nhỏ, miệng nhỏ. Không những hai đứa tôi không giống  hệt nhau mà còn chẳng có cái gì giống nhau cả, đã vậy lại một trai một gái! Vì là sanh chưa  đủ ngày, nên lọt lòng ra, tôi và em trai đều xanh xao gầy guộc, tôi chỉ có một kí lô tám, em  trai nặng hơn chút đỉnh, cũng chỉ được hai kí lô ba. Càng nhìn hai đứa tôi, mẹ tôi càng thất  vọng. Bác sĩ đành động viên, an ủi:
- Đừng buồn, chúng nó gầy bé vậy chứ không sao, nhất là cháu trai, đại khái là nuôi được,  còn cháu gái ấy, thì...
Ý bác sĩ nói là, con gái trên đời này đâu có thiếu, không có cũng chẳng sao! Thế là tình  mẫu tử nơi mẹ bỗng dâng lên mãnh liệt. Mẹ làm sao có thể bỏ rơi đứa con gái yêu quý? Gì thì  gì, mẹ sẽ nuôi cho nó lớn! Nghĩ vậy, mẹ quên hết mọi thất vọng, chỉ còn nghĩ cách làm sao  nuôi lớn hai đứa con không may vì sanh non mà xanh gầy.
Còn ba tôi, khi biết mình có cả con trai và con gái thì sung sướng hết chỗ nói! Sau này mợ tôi kể, lúc nào ba tôi cũng nhắc đi nhắc lại:
- Trước kia tôi mất đứa con trai, bây giờ chẳng phải nó đã về lại là gì?
Câu nói ấy kể cũng hơi huyền hoặc, làm như em trai của tôi bây giờ chính là người anh  bất hạnh của tôi nằm nào đầu thai trở lại vậy. Song, nếu như thế gian này có chuyện cải tử hoàn sinh, thì biết chừng đâu người em trai song sinh của tôi lại cũng chính là người anh kia  cũng nên, đố ai biết được?
Thế đấy, chuyện chào đời của hai chị em tôi ít nhiều cũng mang màu sắc thần kỳ.
Ba tôi bận rộn lo đặt tên cho chúng tôi. Vì đẻ sinh đôi nên ba quyết đặt tên chúng tôi bằng  chữ ghép. Lại nữa, ba mẹ quen nhau ở trường nữ trung học Lưỡng Cát nên đặt tên cho con gái  là "Song Cát", con trai là "Song Ngọc". Hai tên này khi đọc lên đều hơi tréo miệng, nên đặt  thêm cho hai nhũ danh, tôi là Phượng Hoàng, em trai là Kỳ Lân.
Thế là, ngay tức khắc, trong nhà tôi có đủ cả Phượng lẫn Lân. Có điều hai sinh vật bé  bỏng này chẳng biết một chút gì về sự có mặt của mình giữa cõi nhân gian rắc rối và giữa cái  thời đại đầy rẫy khó khăn. Trước niềm vui vô bờ bến vì một lúc có được hai đứa con, ba mẹ tôi tạm quên nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống và bóng tối của chiến tranh bao phủ, chỉ toàn tâm  toàn ý lo nuôi nấng chúng tôi. Cũng do sanh non tháng, nên chúng tôi vừa lọt lòng mẹ, được  nuôi theo một chế độ đặc biệt. Nhất là tôi, không những không biết bú sữa, lại còn phải nuôi  trong lồng kính hai mươi mấy ngày. Trong suốt hai mươi mấy ngày đó, mẹ lo tìm chọn vú  nuôi, cho dù thương hai đứa con đến mấy đi nữa cũng không thể cùng một lúc cho bú được cả hai. Sau hai mươi ngày, mẹ đưa hai đứa ra viện, đưa cả vú nuôi của tôi về nhà. Vú nuôi họ Khu, được chọn trong số hơn một trăm người đến xin việc. Hôm tôi và Kỳ Lân đầy tháng, ba  tôi bắt bông kem hình búp bê trên bánh bông lan gởi đến bạn bè. Có một bác lấy chồng đã lâu  mà chưa có con, ăn một hơi sáu chiếc bánh như vậy, để hưởng phúc bình của mẹ. Ba tôi hả hê  mãn nguyện, cao hứng viết một bài thơ được cả nhà thích thú nhớ mãi tới giờ:
"Một nam một nữ cùng sinh hạ,
Rượu mừng chưa nhắm đã say lòng
Mai này, hai đứa xây gia thất
Được chức cha rồi, thêm chức ông!" 

Chương 2

Trước bốn tuổi


Ở tuổi con nít tôi chẳng nhớ được gì. Mọi chuyện đều nghe kể lại. Lúc nhỏ, tôi là đứa bé  trầm lặng, hay ỷ lại, thích nghe người lớn kể chuyện. Theo ba mẹ kể lại, lúc nhỏ tôi rất ngoan  nhưng hay xấu hổ, sợ gặp người lạ, hễ trong nhà có khách, thì tôi trốn biệt. Thử phân tích, tôi  thấy thời thơ ấu mình rất tự ti.
Nói về tính tự ti, tôi cảm thấy ba tiếng ấy cứ đeo bám đời tôi mãi cho đến giờ, khiến tôi có  cảm giác cứ nhúng tay làm việc gì, tôi luôn bị sai lầm.
Tuổi niên thiếu của tôi không được đẹp như mẹ hy vọng, tôi kém xa nàng công chúa tuyết  một trời một vực. Mắt tôi không được to, mũi không được thẳng, chỉ có cái miệng là may ra  còn coi được. Có lẽ đó là cái may của tôi để mẹ khoe với mọi người:
- Mấy người có thấy không? Miệng con Phượng Hoàng nhỏ đến mức nhét cái núm vú  cũng không vào!
Mẹ nói vậy kể cũng hơi khoa trương một chút, vì tôi không biết nút núm vú mà chỉ bú  bằng ống hút, gần hai tháng trời.
Tôi sanh ra vốn không được đẹp, tôi cảm thấy mình có điều không phải với mẹ, vì không  trở thành niềm kiêu hãnh của mẹ. Còn một điều làm tôi rất buồn phiền là phía trên gò má phải  của tôi có một cái bớt rất lớn. Hồi nhỏ, mỗi lần dì hoặc mợ ẵm tôi thường nói:
- Eo ôi, trên mặt có cái bớt to quá, lớn lên ế chồng mất thôi.
Sau này, lúc tôi lên sáu, tôi theo ba mẹ trốn lính Nhật. Có lần, cả nhà đi xe hơi chạy than  qua đoạn đèo núi hiểm trở, có biệt danh là "cua bảy mươi hai", về hướng Quí Châu. Đang  chạy, ai dè qua cua, xe thắng gấp, khiến cánh cửa bật tung, hất tôi xuống đường. Ba mẹ hết  hồn, tưởng tôi không chết thì cũng bị thương nặng. Xe dừng lại, mọi người nhào tới, ngạc  nhiên thấy tôi đang ngồi khóc dưới vách núi, khắp người chỉ trầy sướt chút đỉnh, chỉ sống mũi  là bị một vết thương lớn. Đang đi lánh nạn, lại ở nơi hoang dã làm gì có bệnh viện, tìm đâu ra  thuốc. Mẹ tôi đành lấy bột kem đánh răng rắc lên vết thương để tiêu độc. Từ đó, trên mũi tôi  bị thêm một cái sẹo. Người thân trong nhà lại càng thương cảm tôi hơn:
- Eo ơi, eo ơi, trên mặt có bớt, trên mũi có sẹo, mai mốt lớn lên có ma nào thèm, ế chồng  mất thôi!
Lúc nhỏ, điều tôi lo nhất là bị ế chồng. Tôi bi quan vô cùng (về sau, cái sẹo trên mũi cứ mờ dần theo thời gian rồi mất tiêu không thấy nữa, nỗi âu lo còn lại là cái bớt trên mặt, nên  đến lúc hai mươi tuổi, tôi học được cách hóa trang làm mờ nó đi. Mãi đến giờ, mỗi khi có ai  chụp hình, thì tôi có thói quen giấu nó đi bằng cách quay nửa mặt bên trái về phía ống kính ).
Câu chuyện hơi lạc đề, tôi trở lại trước lúc lên bốn tuổi.
Tuy không phải là một cô bé kiều diễm, nhưng tôi vẫn là cục cưng của mẹ tôi. Bỏ qua tập  tục lúc bấy giờ là trọng nam khinh nữ, tuy đã thuê vú nuôi, nhưng để công bằng mẹ tôi đã đặt  thành nếp, cứ mỗi tháng tôi và Kỳ Lân thay phiên nhau bú sữa mẹ một đợt. Mẹ và vú nuôi đổi  nhau nuôi hai đứa tôi. Mẹ tôi suy nghĩ cặn kẽ là vậy, ai dè nuôi được sáu tháng, tôi đã biết  nhận dạng, lại đang phiên bú sữa của vú nuôi, tôi không chịu đổi sữa nữa, do vậy, vú nuôi cho  tôi bú đến lớn, Kỳ Lân thì bú sữa mẹ cho đến khi mẹ dứt sữa.
Trước lúc lên bốn tuổi, điều duy nhất tôi còn nhớ là vú nuôi. Và vú nuôi cũng thương tôi  như con đẻ của mình. Mỗi lần tôi và Kỳ Lân đánh lộn, vú nuôi cứ quát lên:
- Kỳ Lân sai rồi, Kỳ Lân đánh Phượng Hoàng trước!
Cứ thế, Kỳ Lân bị mẹ đánh đòn. Tôi được tiếng là con bé "ngoan" cũng chính từ miệng vú  nuôi nói ra với mọi người.
Tôi và Kỳ Lân được hai tuổi, thì mẹ lại có mang. Lúc này mẹ tôi đã hiểu và cũng đã thích  nghi với thiên chức làm mẹ, nên bà yên tâm chờ đón một đứa bé nữa chào đời. Tôi và Kỳ Lân  đều đã biết nói, biết gọi mẹ mẹ, ba ba. Khi được hai tuổi rưỡi, mẹ tôi bị cảm phải nằm liệt  giường. Tôi thường lân la bên gường mẹ, những lúc đó mẹ lấy cuốn giáo khoa thư của ba, chỉ tay lên hai chữ "quốc văn" dạy tôi nhận mặt chữ, sau này nghe mẹ nói lại, tôi đã nhận được  hai chữ quốc văn từ hồi đó. Kể cũng hơi quá, nhưng chính mẹ nói vậy thì tôi cũng nghe vậy.
Mùa thu năm 1940, em trai thứ ba của tôi là Xảo Tam ra đời. Tên Xảo Tam cũng là do ba  đặt. Tên Tam, vì em là đứa con thứ ba trong nhà, lại sanh đúng ngày mười ba tháng tám  dương lịch. Âm lịch là mồng mười tháng bảy, cũng vừa đúng là sau ba ngày nếu so với dương  lịch. Dì và cậu của tôi cho rằng cái tên đó nghe có vẻ con gái quá. Ở tít tận Hồ Nam, ông nội  tôi cho biết được gia đình có thêm một cậu cháu trai nữa thì mừng vô kể. Năm ấy cuộc chiến  tranh chống Nhật đã bước sang năm thứ tư, cả nước ai cũng ngóng chờ ngày thắng lợi. Ông  nội gửi thư đặt tên cho em trai thứ ba là "Đào Thắng" cái tên này nghe oai phong như một  quân nhân. Từ đó, em tôi có đến hai tên: Đào Thắng và Xảo Tam.
Bé Tam cân được ba kí lô tám, tròn trịa, bụ bẫm, mặt mày khôi ngô, tuấn tú, ai ai cũng  thích. Phải nói, tôi và Kỳ Lân kém xa em. Vì Xảo Tam vừa lọt lòng nên ba mẹ chăm sóc hết  sức kỹ lưỡng. Tôi và Kỳ Lân trở thành người giúp việc vặt cho vú nuôi. Lúc này, chúng tôi đã  biết tự mở cửa đi chơi, ra sân ngắm hoa quì, ra ngõ mua bánh ăn. Thường là ăn xong, không  biết trả tiền, chỉ còn cách quẹt quẹt miệng rồi chạy vô nhà. Nghe mợ năm của tôi sau này nói  lại:
- Thằng bán bánh kia cũng là con nít, mới tám chín tuổi, không dám đòi tiền, nó đành theo  các cháu đến ngồi trên bậc cửa chờ, chờ mãi, cho đến khi có người lớn đi vào, mới năn nỉ nói:
- Hai chị em sanh đôi nó ăn bánh của con!
Cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ Thành Đô, tôi nhớ đến mùi bánh nướng bán trước cửa nhà,  nhớ cuộc chia tay đẫm đầy nước mắt của mẹ với vú nuôi. Hai người cứ ôm lấy nhau, không  thể nào rứt ra được.
Lúc chia tay vú nuôi, tôi vừa đúng bốn tuổi.
Chiến tranh chống Nhật đang vào thời kỳ ác liệt, khói lửa bao trùm. Nhưng Tứ Xuyên còn  được trời che chở, coi như hậu phương lớn, nên người các tỉnh nườm nượp kéo về, mỗi ngày  thêm đông đúc. Ở đây cả nhà tôi đến Thành Đô từ trước, sống tạm ổn định, lý ra, ở luôn tại  đây cũng được. Nếu gia đình tôi đừng bỏ Thành Đô ra đi thì làm sao có cảnh sinh ly tử biệt,  vui buồn lẫn lộn. Sau này chúng tôi xa Thành Đô năm 1942, về quê hương Hồ Nam đoàn tụ với ông nội, và chính cuộc đoàn tụ này mới cuốn hút cả nhà tôi vào những tháng ngày khói  lửa chiến tranh bao trùm trời đất.
Nguyên là, khi tôi và Kỳ Lân vừa lên bốn thì em trai út cũng lên hai, đời sống ở Thành Đô  mỗi ngày một đắt đỏ, vật giá leo thang. Ba tôi lúc đó làm giáo viên chủ nhiệm Đại Học Quang  Hoa, vừa dạy ở Đại Học Quang Hoa vừa dạy học ở Đại Học Hoa Tây, tuy được mấy suất  lương liền vẫn không đủ duy trì cuộc sống một gia đình, năm miệng ăn. Đúng vào dịp ấy, ông  nội nhớ cháu nội yêu quí chưa được gặp mặt. Ông cứ viết thư ba lần bảy lượt cho ba mẹ, thôi  thúc ba mẹ sớm sắp xếp về thăm quê hương Hồ Nam để ông cháu gặp nhau, có lấy một ngày  sum họp. Ba mẹ phân tích, suy ngẫm, nào chiến tranh kháng Nhật quyết không thể lan tới Hồ Nam, nào vật giá ở Thành Đô mắc mỏ, và quan trọng nhất là lời khẩn cầu của ông nội, chuyển  cả nhà về Hồ Nam!
Tôi không thể chia tay với vú nuôi. Tôi nhớ là vú nuôi ẵm tôi, khóc vật vã. Nghe nói tôi  cũng khóc dứt hơi, quấn chặt lấy mẹ hỏi:
- Tại sao chúng ta không để vú đi cùng? Tại sao phải chia tay vú? Con không muốn xa vú  đâu. Chúng ta đưa vú cùng đi!
Đương nhiên là chúng tôi không thể nào đưa vú nuôi cùng đi được. Thế rồi khóc, khóc và  khóc... khóc liền mấy ngày trời, rốt cuộc rồi cũng đến lúc chia tay vú nuôi. Ấy là lần đầu tiên  trong đời, tôi hiểu được thế nào là "biệt ly", và đó cũng là ký ức sớm nhất in đậm vào tuổi thơ của tôi. Mẹ nói, những ngày liền sau đó, cứ nửa đêm là tôi tỉnh dậy khóc, mần mò tìm vú  nuôi.

Nguồn: HayQua.Wap.Sh
SEO : Bạn đến từ :
sinhvien.wen.ru