Trung Hoa
Treo Cao Ðèn Lồng
Nguyễn Vạn Lý phỏng dịch
Lời Nói Ðầu
Truyện Treo Cao Ðèn Lồng là một tác phẩm nổi tiếng hiện đại của Trung hoa. Ðây là một truyện khiêu dâm và tàn bạo của Tô Ðồng, một tác giả chuyên viết về tình dục, thuộc nhóm Các Nhà Văn Ðợt Sóng Mới.
Tô Ðồng sinh năm 1963, là người tỉnh Giang Tô. Ông học Văn Chương Trung Hoa tại Ðại học Sư Phạm Bắc Kinh. Ông hiện là một nhà văn chuyên nghiệp và chủ trương một tạp chí văn học tại Nam Kinh.
Tác phẩm của Tô Ðồng được xuất hiện với cái tên Thê Thiếp Thành Quần, có nghĩa là Năm Thê Bảy Thiếp. Nhưng khi Trương Nghệ Mưu đưa cuốn tiểu thuyết lên màn ảnh với cô đào Củng Lợi đóng vai chính, thì câu chuyện thay đổi đôi chút và bị đổi tên là Treo Cao Ðèn Lồng Ðỏ. Khi nghe cái tên mới này, Tô Ðồng rất đỗi kinh ngạc, vì trong truyện của ông không có việc treo đèn lồng mỗi đêm như trong cuốn phim. Tuy nhiên cuốn phim Treo Cao Ðèn Lồng Ðỏ đã đem danh tiếng quốc tế cho Tô Ðồng, và ngày nay người ta quen với cái tên Treo Cao Ðèn Lồng Ðỏ hơn là Thê Thiếp Thành Quần. Bản dịch dưới đây được viết theo cuốn Thê Thiếp Thành Quần của Tô Ðồng, cuốn phim Treo Cao Ðèn Lồng Ðỏ của Trương Nghệ Mưu và tập phim bộ Giương Cao Ðèn Lồng Ðỏ của Hồng Kông.
Truyện Treo Cao Ðèn Lồng bộc lộ cái thân phận đen tối của đàn bà và cái quyền uy tuyệt đối của người đàn ông đối với đàn bà trong nước Trung Hoa cổ. Chủ nhân nhà họ Trần có bốn người vợ. Mỗi tối ông ta chọn ngủ tại phòng của một trong bốn người vợ, và đấy là một ân sủng của người chồng ban cho các bà vợ.
Ðây là một câu chuyện của bốn người hầu thiếp lúc nào cũng lo lắng tranh nhau lôi cuốn sự chú ý về tình dục của người chồng giầu có vào thời phong kiến tại Trung Hoa. Tác giả đã trình bày cái thế giới trong đó những người đàn ông thiển cận và ích kỷ về tình cảm, có thể hủy hoại đàn bà một cách không suy nghĩ. Những người đàn bà ở đây tìm mọi cách vươn lên khỏi cuộc đời của họ và có thể bị chính hoàn cảnh đè bẹp. Trong cái bối cảnh như thế, bệnh mất trí có thể vừa là một vũ khí vừa là một nơi trú ẩn. Truyện Treo Cao Ðèn Lồng hấp dẫn ngoạn mục với cái đẹp lạnh lẽo, tình dục thô bạo, sự thoái hoá u mê, và sự tàn nhẫn truyền từ đời này đến đời kia trong xã hội Trung Hoa cổ.
Nhân vật chính là Tùng Liên, một sinh viên đại học mười chín tuổi, phải bước vào nhà họ Trần làm người hầu thiếp thứ tư cho chủ nhân Trần Tả Thiên, một ông già nhiều tuổi, nhưng nhiều tiền. Nàng nghĩ rằng nàng là một thiếu nữ xinh đẹp và trí thức, sẽ thành công tìm được hạnh phúc. Nhưng một người tân thời có học dường như không thích hợp với cái nếp sống cổ truyền của một gia đình giàu có Trung Hoa, trong đó những người hầu thiếp tìm mọi cách hãm hại nhau với mục đích tranh được sự sủng ái của người chồng. Tùng Liên bước vào nhà họ Trần khi tuổi thanh xuân chớm bắt đầu, và tưởng nắm được vận mạng trong tay. Nhưng chỉ một năm sau, Tùng Liên trở thành một con người khác hẳn, ngơ ngẩn trước những sự việc kinh hoàng mà chưa bao giờ nàng có thể ngờ được. Tùng Liên sẽ ở lại mãi trong nhà họ Trần, chẳng khác gì một hình nhân bị những sợi giây vô hình trói buộc trong bốn bức tường của hoa viên, như một chiếc lá khô bị gió bỏ quên bên bờ một cái giếng hoang, tại cuối hoa viên.
Truyện mở cánh cửa cho chúng ta nhìn vào bên trong một gia đình phong kiến Trung Hoa của thập niên 1930, và mô tả cái thân phận của người đàn bà trở thành một món đồ chơi của đàn ông, một món đồ chơi mà một người đàn ông có tiền có thể mua được một cách dễ dàng. Hạnh phúc của họ tùy thuộc vào sự rộng lượng của người đàn ông, vốn là những người rất ích kỷ. Người đàn ông có thể lấy rất nhiều vợ. Nhưng nếu một người vợ bị chồng hờ hững hoặc bỏ quên mà tìm cách giải quyết nhu cầu tình cảm hoặc sinh lý rất bình thường của con người, thì sẽ bị tục lệ nhà chồng trừng phạt một cách dã man, thường là phải chết bằng một cách nào đó; và cái chết của những hầu thiếp ngoại tình được chấp nhận như là một sự tất nhiên và thường tình.
Chương 1
Khi Tùng Liên được đưa vào nhà họ Trần làm người hầu thiếp thứ tư, nàng mới có mười chín tuổi. Bốn người phu nhà quê khiêng chiếc kiệu chở nàng vào hoa viên qua lối cổng sau. Khi bọn gia nhân đang giặt giũ bên cạnh giếng nước thì chiếc kiệu lặng lẽ lách vào, qua chiếc cổng hình nguyệt. Một cô nữ sinh viên váy đen áo trắng, bước xuống kiệu. Thoạt đầu bọn gia nhân tưởng là đại tiểu thư đi học tại Bắc Kinh trở về. Khi chạy ùa lại để chào mừng thì chúng mới biết là lầm: Ðây là một nữ sinh viên, mặt đầy bụi bậm và trông mệt nhoài. Năm đó tóc Tùng Liên cắt ngắn, ngang tầm tai, và buộc lại bằng một chiếc khăn quàng màu xanh da trời. Khuôn mặt nàng khá tròn; nàng không bôi son phấn và trông có vẻ xanh tái. Tùng Liên bước xuống kiệu, đứng trên bãi cỏ, và lơ đãng nhìn quanh. Một chiếc va li đan bằng tre nằm ngang bên dưới cái váy đen của nàng. Trong ánh nắng buổi chiều thu, hình dáng mảnh khảnh của Tùng Liên càng tỏ ra mảnh mai và thanh tú; nàng trông buồn tẻ và ngơ ngác như một con búp bê bằng giấy. Nàng giơ tay lau mồ hôi trên mặt. Bọn gia nhân rất đỗi kinh ngạc khi thấy nàng không chùi mồ hôi bằng khăn tay, mà bằng tay áo; cái chi tiết nhỏ nhặt này tạo một ấn tượng sâu xa cho bọn gia nhân.
Tùng Liên bước lại thành giếng và nói với Tiểu Nhạn đang giặt quần áo:
- Cho tôi rửa mặt. Ðã ba ngày rồi tôi chưa được rửa.
Tiểu Nhạn kéo một gầu nước lên cho Tùng Liên và nhìn nàng gục mặt vào gầu nước. Thân mình uốn cong của Tùng Liên rung lên như không kiềm chế được, giống như một chiếc trống rền lên từng hồi bởi những bàn tay vô hình. Tiểu Nhạn hỏi:
- Cần sà bông không?
Tùng Liên không trả lời, và Tiểu Nhạn hỏi thêm:
- Nước lạnh quá, phải không?
Tùng Liên vẫn không thèm trả lời. Tiểu Nhạn nhăn mặt nhìn về phía những gia nhân khác đang đứng cạnh giếng, và che miệng cười. Các gia nhân nghĩ rằng cái người khách mới tới là một người bà con nghèo của nhà họ Trần. Họ có thể biết được hoàn cảnh của hầu hết những khách nhà họ Trần. Ðúng lúc ấy Tùng Liên bất thần quay đầu nhìn về phía bọn gia nhân. Vẻ mặt của nàng có vẻ tỉnh táo sau khi rửa mặt; hàng lông mày của nàng rất nhỏ và rất đen, và khẽ nhíu lại với nhau. Tùng Liên liếc nhìn Tiểu Nhạn và lên tiếng:
- Ðừng ngớ ngẩn đứng đó. Lau mặt cho ta!
Tiểu Nhạn vẫn tiếp tục cười và trả lời:
- Này cô nghĩ cô là ai, mà phách lối vậy.
Tùng Liên xô mạnh Tiểu Nhạn, xách chiếc va li tre, và bước xa khỏi cái giếng; nàng bước đi vài bước, rồi quay lại nhìn cả bọn và nói:
- Ta là ai? Sớm muộn các ngươi sẽ biết.
Ngày hôm sau mọi người trong nhà họ Trần được biết chủ nhân Trần Tả Thiên đã lấy Tùng Liên làm người hầu thiếp thứ tư. Tùng Liên sẽ ở trong phòng phía nam, cạnh hậu viên, ngay bên cạnh phòng của Mai San, người hầu thiếp thứ ba. Trần Tả Thiên sai Tiểu Nhạn làm người hầu riêng cho Tùng Liên. Lúc ấy Tiểu Nhạn sống trong khu vực gia nhân.
Khi Tiểu Nhạn tới trình diện Tùng Liên, nó lo sợ lắm; nó cúi đầu xuống và lên tiếng chào:
- Chào Tứ Nương.
Tùng Liên đã quên sự khiếm nhã của Tiểu Nhạn, hoặc có lẽ nàng không nhớ Tiểu Nhạn là ai. Tùng Liên mặc một chiếc áo sường sám bằng lụa hồng và đi một đôi giầy thêu; khuôn mặt nàng đã ửng hồng sau một đêm ngủ ngon, và trông rất đáng yêu. Nàng kéo Tiểu Nhạn lại trước mặt, và cẩn thận quan sát một phút, rồi nói với Trần Tả Thiên:
- Ít nhất nó trông không quá ghê sợ.
Rồi nàng quay lại nói với Tiểu Nhạn:
- Ngồi xuống; để ta xem tóc mày ra sao.
Tiểu Nhạn ngồi xuống nền nhà và cảm thấy bàn tay Tùng Liên thò vào tóc, thận trọng tìm kiếm cái gì; rồi nó nghe thấy Tùng Liên nói:
- Mày không có chấy phải không? Ta sợ chấy lắm.
Tiểu Nhạn cắn chặt môi và không trả lời; nó cảm thấy hai bàn tay của Tùng Liên, giống như một lưỡi dao lạnh băng giá, lùa vào tóc nó và làm nó hơi đau. Tùng Liên hỏi:
- Tóc mày bôi gì thế này? Mùi khó ngửi quá; hãy lấy sà bông thơm và gội đầu ngay đi.
Tiểu Nhạn đứng dậy; nó đứng im không nhúc nhích, hai tay buông thõng. Trần Tả Thiên trừng mắt nhìn nó và hỏi:
- Mày không nghe Tứ Nương nói gì à?
Tiểu Nhạn trả lời, "Con mới gội đầu ngày hôm qua."
Trần Tả Thiên quát lên:
- Không được cãi. Nếu Tứ Nương bảo mày đi gội đầu thì phải đi gội đầu. Coi chừng, không tao đánh cho bây giờ.
Tiểu Nhạn đổ ra một chậu nước và gội đầu dưới gốc những cây táo dại. Nó cảm thấy bị đối xử quá oan uổng; lòng thù ghét và tức giận đè nặng tim nó như một cục sắt nặng. Mặt trời chiều chiếu xuống hai cây táo dại; một đường giây phơi quần áo buộc giữa hai cây táo, và chiếc váy đen và chiếc áo trắng của Tùng Liên đang đung đưa trong gió chiều. Tiểu Nhạn nhìn quanh; khu hậu viên lặng ngắt, và không có ai cả. Nó bước lại đường giây phơi quần áo, và nhổ nước miếng vào chiếc áo trắng của Tùng Liên, rồi quay sang nhổ một lần nữa vào chiếc váy đen của nàng.
Năm đó Trần Tả Thiên vừa đúng năm mươi tuổi. Khi Trần Tả Thiên mua Tùng Liên làm người hầu thiếp thứ tư vào cái tuổi năm mươi, việc mua bán được tiến hành một cách kín đáo. Cho tới ngày Tùng Liên bước qua cổng nhà họ Trần thì ngay Ðại Nương Dục Như, người vợ cả, vẫn không hề hay biết. Khi Trần Tả Thiên dẫn Tùng Liên tới chào Dục Như thì lúc đó Dục Như đang ngồi tụng kinh trong niệm phật đường. Trần Tả Thiên giới thiệu:
- Ðây là Ðại Nương của ta.
Ngay lúc Tùng Liên sửa soạn bước tới để chào Dục Như thì sâu chuỗi bồ đề trong tay Dục Như bỗng đứt ra, và những hạt chuỗi rơi tung tóe khắp nơi. Dục Như vội vàng xô ghế, quỳ xuống sàn nhà để lượm những hạt chuỗi, và miệng lẩm bẩm, "Tội lỗi! Tội lỗi!" Tùng Liên bước lại, định nhặt giúp thì bà ta khẽ đẩy nàng ra, miệng vẫn lẩm bẩm, "Tội lỗi! Tội Lỗi!", và không hề ngẩng đầu lên nhìn Tùng Liên. Trong khi đó Tùng Liên nhìn theo thân hình núng nính của Dục Như lồm cồm bò trên nền nhà ẩm thấp, nhặt những hạt chuỗi rơi ra; nàng che miệng, khẽ cười và nhìn Trần Tả Thiên. Cuối cùng Trần Tả Thiên lên tiếng:
- Thôi, mình đi chỗ khác.
Tùng Liên bước qua cái ngưỡng cửa cao của niệm phật đường, nắm lấy cánh tay Trần Tả Thiên, và hỏi, "Có thực bà ta là Phật tử không? Tại sao bà ta đọc kinh Phật tại nhà?"
Trần Tả Thiên khẽ cười. "Phật tử! Hà hà! Bà ta quá lười biếng, không có gì để làm, vì thế bà ta chơi cái trò đạo Phật. Chỉ có thế thôi."
Tùng Liên được tiếp đón nồng hậu tại phòng của Cát Vân, người hầu thiếp thứ hai. Cát Vân sai đầy tớ đem hạt dưa, hạt bí và một vài loại kẹo bằng trái cây khô mời Tùng Liên. Lời đầu tiên Cát Vân nói sau khi ba người ngồi xuống là về vấn đề hạt dưa.
- Quanh đây không có hạt dưa ngon. Tôi phải sai người mua hạt dưa cho tôi tận Tô Châu đấy.
Tùng Liên ngồi cắn hạt dưa trong phòng của Cát Vân, cho tới lúc nàng cảm thấy buồn chán; nàng không thích ăn vặt như thế, nhưng không tỏ lộ ra nét mặt. Tùng Liên kín đáo liếc nhìn Trần Tả Thiên, gợi ý muốn từ giã, nhưng Trần Tả Thiên dường như có ý muốn ở lại phòng của Cát Vân một lúc nữa, nên làm như không nhìn thấy ý muốn của Tùng Liên. Tùng Liên phỏng đoán Trần Tả Thiên ưa thích Cát Vân một cách đặc biệt, vì thế Tùng Liên không thể không quan sát khuôn mặt và hình dáng Cát Vân một cách chăm chú. Khuôn mặt Cát Vân có những nét đầm ấm và duyên dáng thanh nhã, mặc dầu Cát Vân không thể che giấu được những nếp nhăn nhỏ, và da dẻ đã hơi chùng; trong dáng dấp của nàng, nàng tỏ ra là một người có văn hóa thuộc một gia đình đàng hoàng. Tùng Liên nghĩ một người đàn bà như Cát Vân rất dễ lôi cuốn đàn ông, ngay cả đàn bà cũng có cảm tình với nàng. Tùng Liên mau lẹ gọi Cát Vân là Tỷ Tỷ.
Trong số ba người vợ đầu tiên của nhà họ Trần, thì phòng của Mai San gần phòng của Tùng Liên nhất, nhưng Mai San là người cuối cùng Tùng Liên gặp. Tùng Liên đã nghe nói về vẻ đẹp đặc biệt của Mai San, và rất muốn gặp ngay, nhưng Trần Tả Thiên từ chối không chịu tự mình dẫn Tùng Liên đến gặp Mai San. Lão nói:
- Gần ngay đây mà, nàng hãy tới một mình.
Tùng Liên trả lời, "Em đã đến rồi, nhưng đầy tớ nói bà ta bịnh, và chặn cửa không cho em vào."
Trần Tả Thiên khịt mũi. "Hừ, bất cứ khi nào cô ta không vừa lòng chuyện gì, cô ta đều than bịnh." Rồi lão nói thêm, "Cô ả muốn quan trọng hơn ta."
- Lão gia có để chị ấy được như thế không?
Trần Tả Thiên khoát tay và nói, "Ðừng có ngớ ngẩn như thế! Ðàn bà không bao giờ quan trọng hơn đàn ông."
Tùng Liên bước ngang qua phòng ở mé bắc và thấy cửa sổ của Mai San che kín bằng màn cửa màu hồng; một mùi hương ngọt ngào của hoa toả ra từ bên trong. Tùng Liên đứng ngay trước cửa sổ một lúc; bỗng nàng không thể kiềm chế được ước muốn ngó vào bên trong, rồi nàng nín thở và kéo màn cửa ra. Tùng Liên bị xúc động mạnh đến nổi nàng hoảng sợ gần chết: Mai San cũng đang đứng nhìn nàng trừng trừng từ đằng sau tấm màn. Hai người nhìn vào mắt nhau vài giây, rồi Tùng Liên hoang mang bỏ chạy.
Ðêm hôm ấy, Trần Tả Thiên tới ngủ tại phòng của Tùng Liên. Tùng Liên giúp lão cởi quần áo ngoài và đưa cho lão một bộ quần áo ngủ, nhưng Trần Tả Thiên nói:
- Ta không mặc gì cả. Ta thích ngủ trần truồng.
Tùng Liên ngoảnh mặt đi và nói, "Tùy thích Lão gia, nhưng cũng nên mặc cái gì chứ, nếu không sẽ bị cảm lạnh."
Trần Tả Thiên bật cười. "Nàng không sợ ta bị cảm lạnh đâu; đúng ra nàng sợ trông thấy ta trần truồng."
Tùng Liên trả lời, "Em không sợ." Nhưng khi nàng quay đi thì mặt nàng đỏ bừng vì mắc cở. Ðây là lần đầu tiên nàng trông thấy thân thể của Trần Tả Thiên. Trần Tả Thiên có một cơ thể giống như một con hạc Mãn Châu mào đỏ, gầy trơ xương, và dương vật căng cứng như một cây cung đã kéo căng hết đà. Tùng Liên hoảng sợ và hỏi, "Tại sao Lão gia gầy như thế?"
Trần Tả Thiên trèo lên giường, chui vào mền và trả lời, "Bọn họ hút hết thịt của ta rồi."
Khi Tùng Liên lăn nghiêng để tắt đèn, Trần Tả Thiên giữ tay nàng lại.
- Ðừng tắt đèn. Ta muốn xem nàng. Nàng tắt đèn đi thì không nhìn thấy gì nữa.
Tùng Liên vuốt má lão và nói, "Tùy thích Lão gia. Em không biết gì về chuyện này, vì thế em tuân ý Lão gia."
Tùng Liên dường như rơi từ một đỉnh cao xuống một thung lũng sâu thẳm, tại đó cơn đau và sự choáng váng kèm theo một cảm xúc lâng lâng. Cái hình ảnh kỳ quái nhất là khuôn mặt của Mai San vẫn tiếp tục xâm nhập vào tâm thức nàng; cái bộ mặt rất xinh đẹp ấy cũng chìm vào vùng đen tối. Tùng Liên lên tiếng:
- Bà ta thật là lạ lùng.
- Ai?
- Tam Nương. Bà ta đứng nhìn em đằng sau tấm màn cửa.
Trần Tả Thiên đang mân mê vú Tùng Liên, và vội đưa tay lên bịt miệng nàng.
- Ðừng nói. Bây giờ đừng nói nữa.
Ngay lúc đó có người gõ nhẹ lên cửa phòng ngủ. Hai người cùng giật mình; Trần Tả Thiên nhìn Tùng Liên và lắc đầu, rồi tắt ngọn đèn. Giây lát sau tiếng gõ cửa lại vang lên. Trần Tả Thiên vùng dậy và tức giận quát hỏi:
- Ai gõ cửa đó?
Một giọng nói con gái nhút nhát từ bên ngoài.
- Tam Nương bịnh; bà muốn gọi Lão gia.
- Bà ta nói láo, lại nói láo nữa. Về nói là ta đã ngủ rồi.
Người con gái bên ngoài trả lời, "Tam Nương bịnh nặng lắm, bà nói Lão gia phải tới. Bà nói bà sắp chết rồi."
Trần Tả Thiên ngồi trên giường và suy nghĩ một lát, rồi lẩm bẩm một mình: "Mụ này giở trò gì lần này?" Tùng Liên ngắm vẻ băn khoăn của lão, và đẩy lão. "Lão gia nên tới đó đi. Nếu bà ta chết thì nguy đấy."
Ðêm đó Trần Tả Thiên không trở lại với Tùng Liên. Tùng Liên chú ý nghe xem có động tĩnh gì từ phòng phía bắc không, nhưng dường như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có một con chim chào mào đậu trên cây lựu hót vài tiếng, để lại một âm thanh trong trẻo và buồn bã lan ra rất xa. Tùng Liên hết thất vọng lại buồn rầu, và không ngủ được. Sáng sớm ngày hôm sau nữa, khi nàng ngồi dậy để trang điểm, nàng thấy khuôn mặt nàng đã trải qua một sự thay đổi nhiều; viền mắt nàng đen sẫm. Tùng Liên biết Mai San toan tính gì, nhưng ngày hôm sau, khi trông thấy Trần Tả Thiên xuất hiện từ căn phòng của Mai San, nàng bước lại và dò hỏi về bệnh tình của Mai San.
- Lão gia đã mời bác sĩ cho Tam Nương chưa?
Trần Tả Thiên lắc đầu một cách ngượng ngịu. Lão trông mệt nhoài và không còn hơi sức để nói nữa; lão chỉ cầm tay Tùng Liên và khẽ nắm thật lâu.
Chương 2
Lý do Tùng Liên kết hôn với Trần Tả Thiên thật là giản dị. Nàng đã học đại học được một năm, nhưng xưởng trà của thân phụ nàng bị phá sản, không còn tiền nuôi Tùng Liên học tiếp. Ba ngày sau khi Tùng Liên bỏ đại học trở về nhà, nàng bỗng nghe gia nhân kêu gọi hốt hoảng trong bếp; nàng chạy xuống bếp và thấy thân phụ nằm gục bên bồn rửa; chiếc bồn rửa chứa đầy máu tươi vẫn còn đang sủi bọt. Thân phụ nàng đã cắt cổ tay và đi xuống Suối Vàng của người chết. Tùng Liên nhớ lại nỗi tuyệt vọng của nàng lúc ấy. Khi nàng ôm lấy cái xác lạnh cứng của thân phụ, nàng cảm thấy toàn thân nàng còn lạnh hơn là xác của thân phụ.
Khi tai họa này xảy ra, nàng không thể khóc được. Những ngày sau đó nhiều người không dám dùng cái bồn rửa nơi thân phụ nàng tự tử, nhưng Tùng Liên vẫn gội đầu tại cái bồn ấy. Nàng không cảm thấy nỗi sợ không tên và sự run rẩy mà phần đông thiếu nữ cảm thấy. Nàng rất thực tế. Ngay sau khi thân phụ chết rồi, nàng phải tự lo liệu lấy cuộc đời của nàng. Tùng Liên đã đứng bên cạnh cái bồn rửa, gội đầu và chải tóc nhiều lần; đó là cách nàng bình tĩnh dự tính cho tương lai. Bởi vậy khi kế mẫu của nàng đi thẳng vào vấn đề, và yêu cầu nàng chọn lựa giữa đi làm và lấy chồng, thì nàng khô khan trả lời:
- Dĩ nhiên là con sẽ lấy chồng.
Bà kế mẫu hỏi tiếp, "Con muốn lấy chồng nhà bình thường hay nhà giầu?"
Tùng Liên trả lời, "Dĩ nhiên là nhà giầu; sao má má còn phải hỏi?"
Bà kế mẫu giải thích, "Không giống nhau đâu. Nếu vào nhà giầu thì con sẽ chịu cảnh thấp kém."
Tùng Liên hỏi thêm, "Thế có nghĩa là gì? Tại sao lại thấp kém?"
Bà kế mẫu suy nghĩ một lát rồi nói, "Ðiều đó có nghĩa là phải làm hầu thiếp; địa vị của con sẽ hơi thấp kém."
Tùng Liên cười lạnh lùng, "Ðịa vị có nghĩa gì? Ðịa vị có phải là thứ mà một người như con cần phải quan tâm không? Dẫu sao con đã được giao cho má má để bán; nếu má má còn có lòng với cha con, thì nên bán con cho một chủ nhân giầu có."
Lần đầu Trần Tả Thiên muốn vào thăm Tùng Liên, nàng chặn cửa lại và từ chối không gặp. Nàng đứng bên trong cửa và nói vọng ra:
- Hãy gặp tôi tại tửu lầu Tây Phương.
Trần Tả Thiên nghĩ vì nàng là sinh viên đại học, nàng dĩ nhiên phải khác với các thiếu nữ quê mùa. Lão dành một bàn cho hai người tại tửu lầu Tây Phương, và ngồi chờ Tùng Liên. Hôm ấy là một ngày mưa; Trần Tả Thiên ngồi đợi và nhìn qua cửa sổ ra ngoài đường phố mờ mờ mưa bay, cảm giác của lão ấm áp và ngọt ngào lạ thường; đó là những cảm giác mà lão chưa hề có trong ba cuộc hôn nhân trước. Tùng Liên thong thả bước tới, tay cầm chiếc dù bằng vải hoa xinh sắn. Trần Tả Thiên mỉm cười sung sướng. Tùng Liên quả thực là xinh đẹp và tinh khiết như lão vẫn tưởng tượng, và còn rất trẻ. Trần Tả Thiên nhớ lại Tùng Liên ngồi đối diện với lão, tay rút từ túi xách ra một nắm cây nến nhỏ. Nàng khẽ nói với Trần Tả Thiên:
- Gọi cho em một chiếc bánh sinh nhật.
Trần Tả Thiên gọi bồi đem tới một chiếc bánh ngọt; rồi lão ngồi nhìn Tùng Liên cắm từng cây nến lên chiếc bánh, cho tới lúc đủ con số mười chín; nàng cất những cây nến còn lại vào túi xách. Trần Tả Thiên hỏi:
- Cái gì thế này; hôm nay là sinh nhật của nàng ư?
Tùng Liên chỉ mỉm cười. Nàng thắp những cây nến và ngắm mười chín ngọn lửa nhỏ rực rỡ. Trong ánh sáng của nến, vẻ mặt của Tùng Liên trở nên đẹp lạ lùng; nàng nói:
- Coi này, những ngọn lửa nhỏ đẹp không?
Trần Tả Thiên đồng ý, "Phải, đẹp lắm."
Nói xong, Tùng Liên lấy hơi và thổi tắt tất cả những cây nến cùng một lúc. Trần Tả Thiên nghe thấy nàng nói, "Hãy ăn mừng sinh nhật của tôi sớm hơn thường lệ; mười chín năm đã trôi qua rồi."
Trần Tả Thiên cảm thấy trong lời nói của Tùng Liên có điều đáng suy nghĩ. Mãi lâu sau này lão vẫn còn nhắc đến cái cảnh Tùng Liên thổi tắt những cây nến ấy; cảnh ấy khiến lão nghĩ rằng Tùng Liên có một khả năng lẩn tránh nhưng rất lôi cuốn. Là một người có nhiều kinh nghiệm về tình dục, Trần Tả Thiên còn say đắm sự nồng nhiệt và nghệ thuật của Tùng Liên trong việc chăn gối hơn nữa. Lão dường như trông thấy nhiều cảnh hấp dẫn say đắm trong lần đầu gặp nàng, và sau này những cảnh ấy trở thành sự thực trong cuộc sống ái ân. Thực khó mà xét đoán bản chất con người Tùng Liên vốn như vậy, hay là nàng tự thay đổi để chiều lòng lão, nhưng dù trường hợp nào thì Trần Tả Thiên cũng vô cùng thoả mãn với Tùng Liên; mọi người trong nhà họ Trần đều nhận thấy cái cung cách say mê Tùng Liên của lão.
Trong một góc tường của hậu viên là một cây tử đằng hoa; từ mùa hạ tới mùa thu, những bông tử đằng hoa nở nặng trĩu cành. Hết ngày này qua ngày khác, từ cửa sổ của nàng, Tùng Liên trông thấy khóm cây nở đầy hoa như phủ lông tơ ấy khẽ đong đưa trong gió thu. Nàng trông thấy một cái giếng bên dưới cây tử đằng hoa, và còn có một chiếc bàn và mấy chiếc ghế đá nữa. Thực là một nơi yên tĩnh và thoải mái, thế mà chẳng có ai ra đấy cả; con đường dẫn ra giếng phủ đầy cỏ dại. Từng đàn bướm bay chập chờn và những con ve sầu kêu râm ran trong khóm lá tử đằng hoa; Tùng Liên nhớ lại cũng bằng giờ này năm trước, nàng đang ngồi học dưới bóng tử đằng hoa trong sân trường đại học - tất cả dường như bỗng nhiên tỉnh giấc từ một giấc mơ.
Tùng Liên thong thả bước tới cây tử đằng hoa, thận trọng kéo váy lên cho cỏ dại và côn trùng không đụng vào váy; nàng khẽ vạch vài cành tử đằng hoa, và trông thấy những bàn và ghế đá phủ đầy rêu. Tùng Liên cúi người và nhìn xuống đáy giếng; nước giếng là một màu xanh đen, có những lá khô nổi trên mặt nước. Tùng Liên trông thấy hình ảnh phản chiếu của nàng nhấp nhô trên mặt nước và nghe thấy hơi thở của nàng vọng xuống giếng và vang to hơn, một hơi thở yếu ớt nhưng bị đè nén thật sâu. Một cơn gió hắt lên; váy của Tùng Liên căng phồng như một con chim đang bay, và đúng lúc đó nàng cảm thấy một sự lạnh lẽo và cứng như đá từ từ cọ vào thân nàng. Nàng quay lưng lại, bước vội trở về, và khi chỉ còn nửa đường cách phòng nàng, nàng bật ra một tiếng thở dài. Ngay lúc nàng quay nhìn lại cây tử đằng hoa, hai hoặc ba túm hoa bỗng rụng xuống; những túm hoa đó rụng một cách bất thình lình, và Tùng Liên cảm thấy ghê lạ.
Cát Vân đang ngồi trong phòng Tùng Liên, chờ đợi nàng. Cát Vân nhận thấy ngay Tùng Liên có vẻ hoảng hốt; nàng đứng dậy, vỗ vai Tùng Liên và hỏi:
- Muội muội làm sao vậy?
Tùng Liên trả lời, "Em làm sao? Em đi dạo quanh nhà đấy mà."
Cát Vân nói, "Da mặt muội muội tái mét."
Tùng Liên cười to và nói nàng đang có kinh nguyệt. Cát Vân cũng cười và nói, "Tôi tự hỏi tại sao không thấy muội muội lại thăm tôi." Nói xong Cát Vân mở một cái gói và lấy ra một xấp lụa.
- Lụa Tô Châu đây nhé, để muội muội may áo.
Tùng Liên đẩy tay Cát Vân lại.
- Không không - làm sao em dám nhận quà tặng của tỷ tỷ. Ðáng lẽ em phải có quà biếu tỷ tỷ mới phải.
- Suỵt, muội muội nói gì thế? Khi tôi thấy muội muội dễ thương như thế, tôi liền nghĩ đến xấp lụa này; nếu là người đàn bà bên cạnh phòng muội muội, thì tôi sẽ không cho, dù trả tiền tôi cũng vậy; tính tôi như thế đó.
Tùng Liên cầm lấy xấp lụa, đặt lên đùi và hai tay vuốt ve xấp lụa. Rồi nàng nói, "Tam Nương hơi lạ lùng, nhưng đẹp lắm."
- Ðẹp hả? Nếu muội muội cạo mặt Mai San thì lấy được cả cân son phấn.
Tùng Liên lại cười và thay đổi đề tài. "Em vừa đi ra chỗ cây tử đằng hoa. Em thích chỗ đó lắm."
Cát Vân kêu lên kinh hoàng, "Muội muội tới Giếng Tử Thần ư? Ðừng bao giờ ra đó nữa; chỗ ấy xui xẻo lắm."
Tùng Liên sửng sốt hỏi lại, "Sao tỷ tỷ gọi là Giếng Tử Thần?"
- Thảo nào khi bước vào đây, muội muội trông có vẻ dễ sợ. Ðã có ba người chết trong cái giếng đó rồi.
Tùng Liên đứng dậy, tựa vào khung cửa sổ và nhìn ra cây tử đằng hoa. "Những người chết trong giếng ấy là loại người gì?"
Cát Vân trả lời, "Họ là những người trong gia đình này, thuộc các thế hệ trước, tất cả là đàn bà."
Tùng Liên còn muốn hỏi thêm nữa, nhưng Cát Vân không thể kể hơn; bà ta chỉ biết có thế. Bà ta nói thêm mọi người trong nhà họ Trần, dù địa vị cao hay thấp, đều tránh né chuyện này; mọi người đều thủ khẩu như bình, không dám hở môi. Tùng Liên đứng đó băn khoăn một lúc, rồi nói, "Những chuyện như thế, em nghĩ không nên biết thì hơn."
Con cái nhà họ Trần sống trong khu nhà ở giữa dinh cơ. Một lần Tùng Liên trông thấy hai chị em Ức Dung và Ức Vân đang đào giun trong một cái rãnh bùn; chỉ thoáng nhìn những khuôn mặt tươi rạng rỡ, rất ngây thơ và tự nhiên, Tùng Liên cũng biết chúng là con của Cát Vân. Nàng đứng bên cạnh, lặng lẽ quan sát chúng. Hai chị em trông thấy Tùng Liên, nhưng vẫn tiếp tục nhét những con giun vào ống tre như thể là không có ai bên cạnh. Tùng Liên lên tiếng hỏi:
- Các con đào giun để làm gì?
Ức Dung trả lời, "Ðể câu cá." Nhưng Ức Vân nhìn Tùng Liên trừng trừng và nói, "Không việc gì đến bà."
Tùng Liên cảm thấy lúng túng khó chịu và bỏ đi; nàng nghe thấy hai đứa trẻ nói thì thầm với nhau, "Bà ta cũng là một hầu thiếp, giống như má má vậy." Tùng Liên giật sững người; nàng quay lại và giận dữ nhìn chúng. Ức Dung cười khúc khích, nhưng Ức Vân trừng mắt nhìn lại Tùng Liên, khinh thường thách thức và khẽ nói gì thêm. Tùng Liên nghĩ, "Thực là kinh khủng khi những đứa trẻ còn nhỏ mà nói những chuyện tục tĩu như thế. Có Trời mới biết được Cát Vân giáo dục con cái như thế nào."
Lần kế khi Tùng Liên gặp Cát Vân, nàng không thể không kể lại lời nói của Ức Dung. Cát Vân trả lời:
- Con nhỏ đó không biết giữ mồm giữ miệng. Lát nữa trở về tôi sẽ cắt môi nó.
Sau khi xin lỗi Tùng Liên, Cát Vân nói tiếp:
- Thực ra hai con gái của tôi còn dễ dạy bảo. Muội muội chưa gặp tiểu công tử bên cạnh đó. Nó thực giống một con chó, cắn và phỉ nhổ mọi người gặp phải nó. Nó đã cắn muội muội chưa?
Tùng Liên lắc đầu. Nàng nhớ lại đứa con trai bên cạnh phòng nàng, thằng Phi Lang, đứng trong hiên ăn bánh và trố mắt nhìn nàng, mớ tóc bóng láng của nó chải ngược về phía sau, chân đi một đôi giầy da. Ðôi khi Tùng Liên tìm thấy một vẻ giống Trần Tả Thiên trên mặt Phi Lang. Có thể nàng sẵn sàng chấp nhận Phi Lang bởi vì nàng hy vọng sinh cho Trần Tả Thiên một đứa con trai nữa. Tùng Liên thầm nghĩ, "Con trai vẫn hơn con gái. Có ai quan tâm nó cắn người hay không."
Sau một thời gian khá lâu, Tùng Liên vẫn chưa được gặp con trai và con gái của Dục Như. Ðiều đó dễ dàng chứng tỏ con của Dục Như có địa vị cao trong nhà họ Trần. Tùng Liên cũng thường nghe người nhà bàn tán về người con trai Phi Phố và người con gái Ức Huệ. Phi Phố thường vắng nhà, đi thu tiền thuê nhà cửa đất đai, và cũng lo việc mua bán bất động sản, trong khi Ức Huệ đang theo học một đại học dành cho con gái tại Bắc Kinh. Tùng Liên đôi khi hỏi Tiểu Nhạn về Phi Phố, Tiểu Nhạn thường nói:
- Ðại Thiếu gia là người rất tháo vát.
- Tại sao lại là người tháo vát?
- Dĩ nhiên Ðại Thiếu gia rất tháo vát, vì cả nhà họ Trần bây giờ đều trông nhờ vào Ðại Thiếu gia.
Tùng Liên hỏi thêm, "Ðại tiểu thư như thế nào?"
- Ðại tiểu thư của chúng ta rất xinh đẹp và đoan trang; tiểu thư sắp kết hôn với một đại phú gia.
Tùng Liên bật cười. Giọng nói của Tiểu Nhạn ca ngợi hai người con của Dục Như ngầm chỉ trích nàng, và Tùng Liên rất khó chịu. Nàng đổ cơn giận vào con mèo Ba tư đang nằm cuộn tròn dưới chân nàng; nàng phóng chân đá con mèo và chửi, "Ðừng liếm đít ở đây nữa, đồ ăn mày!"
Tùng Liên ngày càng bực mình với Tiểu Nhạn; lý do chính là vì bất cứ khi nào Tiểu Nhạn không có việc gì làm là chạy sang phòng của Mai San. Ngoài ra mỗi khi nàng sai Tiểu Nhạn giặt áo hay quần lót, mặt Tiểu Nhạn thường lộ vẻ phụng phịu. Ðôi khi Tùng Liên mắng nó.
- Mày định biểu lộ giận dữ ai bằng cách cau mày như thế? Nếu mày không thích ở với tao, mày có thể trở về khu vực của gia nhân, hoặc mày sang ở phòng bên cạnh đi, tao không cần.
Tiểu Nhạn thường chống chế, "Em không phải như vậy. Em đâu có dám cau mày; mặt em vẫn như thế từ lúc sinh ra đấy chứ."
Tùng Liên thường vớ một cây lược và ném Tiểu Nhạn, và Tiểu Nhạn im miệng ngay. Tùng Liên đoán rằng Tiểu Nhạn đã bịa đặt nhiều chuyện về nàng với mọi người trong nhà. Nhưng nàng cũng không đối xử với Tiểu Nhạn quá đáng, bởi vì có một lần nàng trông thấy Trần Tả Thiên vào phòng nàng và lợi dụng cơ hội mân mê vú Tiểu Nhạn. Mặc dầu việc ấy chỉ là điều tự nhiên và thoáng qua, Tùng Liên cũng cố gắng tự kiềm chế; nếu không được chủ mân mê thì Tiểu Nhạn đâu dám cư xử hỗn xược với nàng. Tùng Liên suy nghĩ: "Ngay một con a hoàn tầm thường cũng biết làm thế nào lợi dụng được sự sờ mó của chủ nhân để lên mặt. Ðàn bà thì ai cũng vậy."
Chương 3
Vào ngày mùng tám tháng chín âm lịch, trước ngày lễ Song Cửu, Trần Thiếu gia về thăm nhà.
Tùng Liên đang ngồi trong nội hoa viên ngắm hoa cúc, thì trông thấy Dục Như và vài gia nhân vây quanh một nhóm đàn ông; một người ở giữa đám, mặc y phục trắng, nhìn xa từ đằng sau thì rất trẻ, và rất cao. Tùng Liên đoán người ấy phải là Phi Phố. Nàng đứng nhìn trong lúc gia nhân chở cả một xe đầy hành lý vào hậu viên, chạy đi chạy lại giống như những con vật trên chiếc đèn cù. Rồi mọi người đi vào trong nhà, nhưng Tùng Liên cảm thấy lúng túng ngượng ngùng nên không vào theo mọi người. Nàng hái một vài bông hoa cúc và thong thả bước về hậu viên; trên đường đi nàng bắt gặp Cát Vân và Mai San dẫn con cái theo sau. Cát Vân nắm cánh tay nàng và nói:
- Ðại Thiếu gia đã về, tại sao muội muội không đến gặp?
Tùng Liên trả lời, "Em phải đến gặp hắn ư? Hắn phải tới chào em chứ, phải không?"
Cát Vân nói, "Phải rồi, Ðại Thiếu gia phải là người tới gặp muội muội trước."
Mai San đứng bên cạnh, nóng ruột đẩy vào gáy thằng Phi Lang. "Ði mau lên. Ði mau lên."
Mãi đến bữa ăn tối Tùng Liên mới thực sự gặp Phi Phố. Tối hôm đó Trần Tả Thiên sai gia nhân sửa soạn một đại tiệc mừng Phi Phố về nhà. Bàn ăn đầy những món ăn xa hoa và nấu nướng thật cầu kỳ; Tùng Liên nhìn đồ ăn và không thể không nghĩ rằng bữa tiệc chào mừng nàng khi nàng vào nhà họ Trần không được thịnh soạn như bữa tiệc này. Nàng cảm thấy đau tủi, nhưng sự chú ý của nàng lập tức chuyển sang Phi Phố. Phi Phố ngồi cạnh Dục Như; Dục Như nói điều gì với Phi Phố, rồi chàng nghiêng người về phía Tùng Liên, mỉm cười và gật đầu. Tùng Liên cũng mỉm cười và gật đầu đáp lại. Cảm tưởng đầu tiên của nàng về Phi Phố là một thanh niên trẻ và đẹp trai không ngờ; cảm tưởng thứ hai của nàng là Phi Phố có vẻ rất sâu sắc trầm tư. Nàng thường thích đánh giá cá tính người khác khi gặp họ.
Hôm sau là ngày Hội Song Cửu. Những người làm vườn gom hết những chậu hoa cúc trong vườn vào một chỗ, và sắp xếp những chậu hoa theo những màu sắc khác nhau để tạo ra những chữ "Phúc, Lộc, Thọ". Tùng Liên dậy sớm và một mình đi dạo quanh quẩn, và ngắm hoa cúc. Một cơn gió lạnh thổi qua và nàng chỉ mặc một chiếc áo len không có tay; nàng đứng đó khoanh tay trước ngực, hai bàn tay ôm lấy vai, đi quanh và ngắm những chậu hoa. Nàng trông thấy Phi Phố từ đằng xa, ở nội hoa viên, đang bước về phía nàng. Tùng Liên lưỡng lự, không biết có nên chào Phi Phố trước hay không, thì Phi Phố đã lên tiếng từ đằng xa:
- Chào Tùng Liên.
Tùng Liên hơi giật mình khi thấy Phi Phố gọi thẳng tên nàng; nàng gật đầu và trả lời, "Theo trật tự gia đình thì Ðại Thiếu gia không nên gọi nhũ danh của tôi."
Phi Phố đứng bên kia dẫy chậu hoa, vừa mỉm cười vừa cài nút áo, và nói, "Tôi phải gọi là Tứ Nương mới đúng, nhưng dì chắc phải kém tôi vài tuổi. Dì năm nay bao nhiêu?"
Tùng Liên nhìn xuống những bông cúc, cố tình bày tỏ một sự bất như ý. Phi Phố hỏi tiếp, "Dì cũng thích hoa cúc ư? Tôi tưởng tôi sẽ là người đầu tiên thưởng thức hoa cúc sáng sớm hôm nay; không ngờ dì còn dậy sớm hơn tôi."
Tùng Liên trả lời, "Tôi thích hoa cúc từ hồi còn rất nhỏ, chứ không phải hôm nay tôi mới bắt đầu thích hoa cúc."
- Dì thích loại cúc nào nhất?
- Tôi thích tất cả mọi loại, nhưng tôi ghét hoa cúc móng cua.
Phi Phố hỏi, "Tại sao thế?"
- Cúc móng cua nở thô quá.
Phi Phố lại bật cười và nói, "Thực là lý thú; tôi lại là người thích cúc móng cua nhất."
Tùng Liên ngắm nhìn Phi Phố một giây lát. "Tôi nghĩ Thiếu gia hợp với cúc móng cua."
Phi Phố hỏi thêm, "Tại sao vậy?
Tùng Liên tiến tới vài bước và nói, "Hoa không phải là hoa, người không phải là người; hoa là người và người là hoa; Thiếu gia không hiểu cái nguyên tắc sơ đẳng ấy ư?"
Tùng Liên chợt ngẩng đầu và bắt gặp trên đôi mắt ướt của Phi Phố một tia sáng lạ lùng thoáng qua rất nhanh, như một chiếc lá rơi. Nàng trông thấy tia sáng ấy và hiểu ngay.
Phía bên kia những chậu hoa cúc, Phi Phố đứng chống tay lên mông, và chợt nói, "Vậy thì tôi bỏ cúc móng cua ra ngoài."
Tùng Liên không nói gì. Nàng nhìn Phi Phố bê những chậu cúc móng cua đi và thay thế bằng những chậu cúc đen. Một lát sau Tùng Liên lên tiếng, "Hoa thì đẹp đấy, nhưng mấy chữ này không hay; tầm thường quá."
Phi Phố chùi bùn ở tay và nheo mắt nhìn Tùng Liên. "Những chữ ấy không thay đổi được. Phúc Lộc Thọ là những chữ Lão gia sai sắp thành. Năm nào cũng vậy, và tập tục này đã truyền từ tổ tiên nhà ta."
Bất cứ khi nào Tùng Liên nghĩ đến giây phút nàng thưởng thức hoa cúc vào ngày Hội Song Cửu, nàng cảm thấy hạnh phúc trong lòng. Dường như ngày hôm ấy nàng và Phi Phố có một sự thông cảm bí mật giữa hai người. Thỉnh thoảng, khi nàng nghĩ tới lúc Phi Phố bê những chậu cúc móng cua ra ngoài, nàng thường bật cười to tiếng. Riêng Tùng Liên biết rằng nàng không thực sự ghét cúc móng cua.
Mỗi khi Trần Tả Thiên ngủ chung với Tùng Liên, nàng thường hỏi, "Lão gia thích ai nhất? Trong bốn người chúng tôi, Lão gia thích người nào nhất?"
Trần Tả Thiên thường trả lời, "Dĩ nhiên là nàng rồi."
- Thế Dục Như thì sao?
- Bà ta đã trở thành một con gà mái già từ lâu rồi.
- Còn Cát Vân?
- Cát Vân vẫn còn dễ thương, nhưng thân thể nàng ta đã nhão nhoẹt rồi.
Tùng Liên không thể tự kiềm chế được sự tò mò khi hỏi về Mai San. "Vậy còn Mai San thì sao? Chị ấy gốc gác ở đâu?"
- Ta không biết cô nàng quê quán ở đâu; ngay cả cô nàng cũng không biết.
- Thế thì chị ấy là người mồ côi hay sao?
Trần Tả Thiên trả lời, "Mai San là một cô đào hát trong một gánh hát lưu động chuyên trình diễn nhạc kịch Bắc Kinh. Ta cũng là một diễn viên tài tử. Ðôi khi ta vào hậu trường và mời nàng đi ăn tối; rồi việc này dẫn tới việc kia, và nàng đi theo ta."
Tùng Liên vuốt ve mặt Trần Tả Thiên và nói, "Tất cả đàn bà đều đi theo Lão gia."
Trần Tả Thiên trả lời, "Nàng chỉ nói đúng một nửa; tất cả đàn bà đều muốn đi theo một người giầu có."
Tùng Liên bắt đầu cười. "Lão gia cũng chỉ đúng một nửa; lão gia phải nói là khi một người trở nên giầu có thì người ấy thèm muốn có nhiều đàn bà, muốn nhiều đến nỗi không bao giờ cho là đủ."
Tùng Liên chưa bao giờ nghe thấy Mai San hát nhạc kịch Bắc Kinh, nhưng sáng hôm ấy nàng bị đánh thức ra khỏi giấc mơ bởi tiếng hát trong vắt, ngân dài theo điệu nhạc kịch Bắc Kinh. Nàng lay Trần Tả Thiên đang ngủ bên cạnh và hỏi có phải là tiếng hát của Mai San hay không. Trần Tả Thiên phờ phạc trả lời, "Con chó cái đó khi vui thì ca hát, khi buồn thì khóc lóc." Tùng Liên mở cửa sổ và trông thấy một lớp sương giá mùa thu trắng như tuyết rơi đêm hôm trước. Một người đàn bà mặc quần áo đen đang ca hát và nhảy múa dưới cây tử đằng hoa. Ðúng là Mai San.
Tùng Liên khoác một tấm áo choàng, đứng bên lối đi nhìn Mai San ở đằng xa. Mai San đang để hết tinh thần vào bài hát; Tùng Liên cảm thấy Mai San hát và diễn một cách rất ai oán, khiến nàng vô cùng xúc động. Sau một lúc lâu, Mai San ngừng bặt. Nàng dường như nhận thấy lệ tràn trong mắt Tùng Liên. Mai San hất hai ống tay áo rộng và dài lên vai, và bước về phòng. Một vài giọt sương trong như pha lê lấp lánh trên mặt và quần áo nàng trong ánh sáng buổi sớm mai; mớ tóc tròn uốn cao và quấn chặt của nàng ẩm một chút sương sớm, và toàn thể hình dáng nàng như thấm đượm và mang nặng nỗi sầu, như một cọng cỏ trong gió.
Mai San đứng lại trước mặt Tùng Liên và lạnh lùng hỏi, "Cô khóc hả? Cô có một cuộc đời sung sướng, phải không? Tại sao lại khóc?"
Tùng Liên rút ra một chiếc khăn tay, chùi khóe mắt, rồi nói, "Tôi không biết tại sao. Chị hát bài gì vậy?"
- Ðó là bài "Người Ðàn Bà Treo Cổ". Cô thích bài ấy ư?
- Tôi không biết gì về nhạc kịch Bắc Kinh; chỉ vì chị hát cảm động quá đến nỗi tôi cảm thấy buồn bã và muốn nghe.
Trong lúc Tùng Liên nói, nàng nhận thấy lần đầu tiên, mặt Mai San hiện lên một nét thân thiện. Mai San cúi đầu, nhìn bộ y phục sân khấu của nàng và nói:
- Tất cả chỉ là sự diễn xuất và không đáng phải buồn rầu. Nếu cô diễn xuất hay, cô có thể lôi cuốn được người khác, nhưng nếu cô diễn xuất dở thì cô chỉ lừa dối được chính cô thôi.
Trong buồng Tùng Liên, Trần Tả Thiên bắt đầu húng hắng ho; Tùng Liên nhìn Mai San một cách ngượng ngịu. Mai San hỏi, "Cô có phải giúp Lão gia mặc quần áo không?"
Tùng Liên lắc đầu và nói, "Lão gia có thể tự mặc quần áo được mà. Lão gia có phải là một đứa trẻ đâu."
Mai San có vẻ bất mãn. Nàng bật cười và nói, "Tại sao Lão gia luôn luôn bắt tôi phải giúp đỡ khi mặc quần áo và đi giầy? Dường như người ta được chia thành hai loại người, một loại được kính trọng và một loại không đáng kính trọng."
Ðúng lúc đó Trần Tả Thiên la to từ trong phòng, "Mai San, vào đây hát cho ta nghe một vài bài!"
Mai San lập tức nhướng cặp lông mày mỏng như lá liễu của nàng; nàng cười một cách lạnh lùng, chạy lại cửa sổ và hét vào bên trong, "Mụ già này không thèm hát đâu!"
Tùng Liên hiểu rõ tính khí của Mai San. Khi nàng nói xa xôi về tính khí ấy với Trần Tả Thiên, thì lão nói, "Ðó là lỗi của ta đã chiều chuộng làm mụ hư hỏng từ nhiều năm rồi. Khi mụ cảm thấy bất cần, mụ nguyền rủa tám đời tổ tiên ta. Cái con điếm chó ấy, sớm muộn gì ta cũng phải trừng trị mới được."
- Lão gia không nên tàn nhẫn với chị ấy; chị ấy thực đáng thương, không có gia đình, và lo sợ lão gia không thương yêu, nên chị ấy trở nên cáu kỉnh.
Sau đó Tùng Liên và Mai San có một sự giao tiếp thân mật. Mai San rất mê chơi mà chược. Nàng thường rủ người vào phòng nàng chơi; họ thường chơi từ ngay sau bữa ăn tối cho tới rất khuya. Từ bên này tường, Tùng Liên có thể nghe thấy tiếng lách cách inh ỏi của quân mà chược suốt đêm, khiến nàng không ngủ được. Khi nàng than phiền với Trần Tả Thiên thì lão nói:
- Ta nghĩ nàng phải ráng mà chịu đựng; khi mụ chơi mà chược thì mụ có vẻ hơi bình thường hơn. Nhưng khi mụ thua hết tiền, ta sẽ không cho tiền nữa. Thôi cứ để mụ chơi. Ðể mụ chơi cho tới lúc mụ phải tự bỏ.
Có một lần Mai San sai đầy tớ mời Tùng Liên sang chơi mà chược, nhưng Tùng Liên từ chối, và nói với người đầy tớ, "Mời ta chơi mà chược ư? Thực là lạ lùng, ngươi tưởng ta cũng chơi mà chược ư?"
Khi người đầy tớ trở về, Mai San thân hành tới gặp Tùng Liên và nói, "Tụi tôi chỉ có ba người thôi - chúng tôi cần thêm một chân nữa; làm ơn giúp tôi đi."
- Nhưng tôi không biết chơi; như thế tôi sẽ thua hay sao?
Mai San nắm lấy cánh tay Tùng Liên. "Ði với tôi nào. Nếu cô thua, tụi tôi không lấy tiền của cô. Hơn nữa nếu cô được, cô giữ lấy tiền được, nếu cô thua tôi sẽ đền tiền cho cô."
- Chị không cần phải thiên vị tôi đến thế; chỉ tại vì tôi không thích chơi thôi.
Tùng Liên thấy nụ cười của Mai San biến thành một nét cau mặt trong lúc nàng nói. Mai San hỏi, "Hừ, ở đây cô được cái gì đáng giá đến thế? Cô cư xử như là cô đang ngồi trên một đống vàng lớn và không thèm nhúc nhích; chẳng qua chỉ là một lão già gần như kiệt lực rồi, chỉ có thế thôi."
Tùng Liên bực mình đến nỗi nàng bừng nổi giận; ngay lúc nàng đang định tuôn ra những lời chửi tục đang sôi sục, thì nàng cố gắng nuốt cơn giận, bậm môi và suy nghĩ một vài giây. Cuối cùng nàng nói, "Thôi được, tôi sẽ sang chơi với chị."
Hai người đàn ông chơi mà chược đã ngồi chờ sẵn tại bàn; một người là tên quản gia Trần Tả Văn, còn người kia nàng không biết. Mai San giới thiệu với nàng người đó là một bác sĩ. Ông ta đeo kiếng gọng vàng; da mặt ông ta ngăm ngăm đen, nhưng môi ướt, đỏ tươi và trông mềm mại như môi đàn bà. Trước kia Tùng Liên đã từng trông thấy ông ta ra vào phòng Mai San, và vì một lý do nào đó, nàng không thể tin ông ta là bác sĩ.
Tùng Liên rất lơ đãng khi nàng ngồi vào bàn mà chược; nàng thực tình chơi không giỏi, chỉ biết lắng nghe và hoang mang không hiểu khi họ la những tiếng, "quân của tôi" hoặc "đấy là quân tôi đang chờ." Tất cả những gì nàng làm là miễn cưỡng xỉa tiền ra, và dần dần nàng cảm thấy khó chịu phải chơi. Cuối cùng nàng nói, "Tôi nhức đầu, cần nghỉ một lát."
Mai San vội nói, "Khi cô ngồi vào bàn rồi thì cô phải chơi tám vòng - đó là luật chơi. Chắc cô buồn là vì bị thua đấy."
Trần Tả Văn nói xen vào, "Ðừng buồn, thua bạc sẽ tránh được nhiều tai họa."
Mai San tiếp theo ngay. "Thì cứ như tối nay cô làm ơn cho Cát Vân vậy mà; gần đây mụ ta vô cùng buồn chán. Cho mụ ta mượn lão già một tối và bắt mụ ta trả lại cho cô tiền cô thua mà chược."
Hai người đàn ông phì cười. Tùng Liên cũng bật cười và nói, "Mai San, chị thực là biết cách làm cho người ta phải tức cười." Nhưng trong tâm nàng, nàng cảm thấy dường như nàng phải nuốt một con ong.
Tùng Liên lạnh lùng quan sát những cái liếc mắt đưa tình giữa Mai San và ông bác sĩ; nàng cảm thấy không gì có thể thoát khỏi sự hiểu biết trực giác của nàng. Trong lúc người ta sắp lại bài, một quân mà chược rơi xuống đất. Khi Tùng Liên cúi xuống để nhặt quân bài lên, nàng trông thấy bốn cẳng chân đang quấn quýt lấy nhau; bốn cẳng chân vội rời nhau ra và trở về vị trí bình thường, nhưng Tùng Liên đã trông thấy những gì đã xảy ra.
Vẻ mặt nàng không thay đổi, nhưng nàng không nhìn thẳng vào mắt của Mai San hay của ông bác sĩ nữa. Lúc đó cảm xúc của nàng rất là phức tạp; nàng hơi hoảng sợ, và bối rối, và cũng hơi thích thú khi khám phá ra sự bí mật ấy. Nàng tự nói thầm, "Mai San, chị sống quá phóng túng, quá vô liêm sỉ."