Khúc Tráng Ca Thành Cổ Quảng Trị
Tác giả: Trần Lê An
Chương 9
Những câu chuyện kể ở bệnh viện
TRẦN LÊ AN
(Phỏng theo lời kể của đồng chí Dương Tâm chiến sĩ đặc công Sư đoàn 325 và một số đồng đội).
Tôi cũng chỉ loáng thoáng biết rằng từ trạm Gia Độ mình được một số anh em vận tải cáng trên võng dù, đi trong đêm rồi đưa lên ô tô chuyển tiếp. Tôi lúc tỉnh, lúc mê hầu như chẳng hay biết gì. Khi tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm ở Quân y Viện 4.
Cùng nằm với tôi cũng có nhiều đồng chí bị thương từ trong Thành cổ ra. Có người bị cụt cả chân lẫn tay, có đồng chí bị băng kín đầu. Nằm cạnh tôi là một anh bạn người Thanh Hóa bị cả băng đạn bắn vào vỡ toác ngực. Mãi sau này tôi mới biết tên anh, vì suốt thời gian nằm cạnh, tôi chưa thấy anh tỉnh dậy.
Quả là nắng gió vùng Quảng Trị thui cháy cả làn da, không thể chịu đựng nổi cái nắng của mùa hè như thiêu như đốt, lại nằm giữa vùng cỏ gianh như thế này. Ở đây nước lại rất hiếm, muốn có nước phải đi gần cây số, nên việc tắm táp rất hạn chế. Đành chỉ có cách là chui xuống dưới đất, dưới hầm sâu để mặc cho mồ hôi ra ướt đầm, rồi khi có một cơn gió mồ côi nào lạc đến thì may ra mới cảm thấy dễ chịu được đôi chút.
Thế mà giữa trưa nắng như thế, một thằng trực thăng vẫn cố tình bay là là gần sát dưới những triền đồi, bọn này vẫn coi thường quân ta trước đây chưa có cao xạ pháo vào chiến trường. Chúng bay thấp dưới các triền đồi để tiếng động cơ dội vào sườn đồi và dội lại, không vượt xa nên quân ta khó phát hiện ra ngay. Thình lình nó vọt lên. Gió từ cánh quạt máy bay thổi dạt cả những vạt cỏ gianh, chúng đã bay ngay trên đầu khẩu 12,7 ly của anh em đang đặt ngay giữa đỉnh đồi. Khẩu súng đang dần dần lộ ra khi cánh quạt trực thăng làm cho cỏ ngụy trang bay tơi tả.
Trên trực thăng, lố nhố hai tên lính lăm lăm khẩu đại liên chĩa xuống. Bất chợt, như một tia chớp, anh bạn tôi lao vụt từ trong hầm ra theo hướng giao thông hào và với một động tác thuần thục, anh ngóc thẳng khẩu 12,7 ly lên bụng chiếc trực thăng bóp cò. Một băng đạn căng dài trùm toàn bộ vào chiếc máy bay. Chiếc trực thăng rung lên, cánh quạt gió vẫn quay tít, loạng choạng bay về phía cuối khe chân đồi, từ bụng và đầu lái phụt ra một vài tia lửa, rồi khói bốc lên. Nó vẫn cố gượng để bay tiếp, nhưng không được, chiếc máy bay nghiêng ngả, chao đảo rơi ầm xuống lòng khe bốc cháy ngùn ngụt. Lúc đó anh em trong hầm mới ào ra, nhảy lên nhìn chiếc máy bay bốc cháy mà reo hò, cả bốn tên trên trực thăng không tên nào sống sót. Mấy người khác chạy tới bên khẩu súng. Anh bạn của tôi đang đứng ôm lấy khẩu súng, từ ngực anh máu chảy ướt sũng cả lớp áo. Thì ra, tên lính đại liên trên máy bay cũng đã kịp bắn một loạt đạn xuống. Anh em vội vàng đưa anh vào hầm băng bó và chuyển về trạm phẫu. Không biết sức mạnh phi thường nào đã giúp anh chịu đựng được cả chặng đường dài ra đến bệnh viện này, rồi anh mới vĩnh viến ra đi. Từ lúc bị thương, anh không nói được lời nào. Anh tên là Vượng, người dân tộc Mường ở Thanh Hóa.
Chỗ anh nằm sau đó thay vào là một anh bạn người Hải Hưng tên Đạt, thuộc Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95, bị cắt cụt mất bàn tay phải. Một quả cối 61 của địch đã nổ bên thành công sự khi anh chiến đấu ở bên ngoài chùa Bà Năm - Đông Nam Thành cổ. Anh ta thán rằng, chẳng hiểu sao đã nấp kín dưới công sự rồi, mà lúc đó lại giơ tay lên.
Sau lần mổ lại hai ngón tay, tôi thấy mình khỏe hơn lên. Mỗi lần thấy máy bay địch bay qua, tôi lại thấy nhớ anh em trong đơn vị. Mấy thằng đã khỏe khỏe, những lúc rỗi nhàn thường ra ngồi chỗ mấy gốc cây trám lớn ở trước lán hầm quân y dã chiến để uống nước. Có lẽ, những lúc ấy chúng tôi mới thực sự được hưởng những khoảnh khắc của đời thường, hít thở không khí trong lành giữa rừng cây lá êm đềm. Có đồng chí bác sĩ, mới đi ra Bắc vào cho bọn tôi mấy lạng chè Thái Nguyên chính hiệu. Chúng tôi lấy nước sôi pha vào cái ăng-gô Trung Quốc và mỗi thằng một cái bát sắt B.52 rót chè vào uống. Sao lúc đó tôi thấy bát chè Thái Nguyên thơm mà ngon đến thế!
Tôi kể câu chuyện đó giữa bữa tiệc trà bên một cánh rừng nơi Quân y Viện 4 sơ tán, nhưng có lẽ anh em cũng đã quen với những cảnh như thế. Mấy cậu còn nhao nhao lên kể các câu chuyện của chính mình đã được chứng kiến. Câu chuyện mấy anh em ta khi làm hầm kèo, vớ bất cứ cái gì cho lên nóc hầm được là cứ cho, có cái đệm lông của dân đã chạy tản cư ra Vĩnh Linh, Hồ Xá để lại, lính ta cũng cho lên nóc hầm.
Một lần, tất cả còn ngồi trong hầm, thấy pháo địch bắn lung tung nên cũng kệ, cứ ung dung ngồi dưới. Pháo 203 từ ngoài biển của hạm đội Mỹ, pháo 175 "vua chiến trường" từ mặt đất ở các cứ điểm phía nam sông Mỹ Chánh bắn tới tấp. Chúng cứ bắn hú họa lung tung, chỗ này một quả, cách vài ba trăm mét lại một quả khác. Chúng bắn theo những tọa độ ngẫu nhiên, trúng đâu thì trúng. Lúc thì pháo khoan sâu xuống lòng đất gặp chỗ hổng như hầm mới nổ. Cứ bảo ở dưới hầm là chắc chứ gặp phải quả pháo khoan trúng thì cũng đi đời; có loại thì nổ phá tức thì trên mặt đất, mảnh bắn tung tóe, khi xé ra hàng trăm mảnh gang từ cỡ như đốt tay đến cỡ bằng bàn tay, hình thù vô định và sắc lẹm văng tứ tung với vận tốc cực lớn theo lượng công phá.
Trong bán kính hơn trăm mét có thể sát thương vô cùng. Có loại lại nổ chụp từ trên cao ba đến bốn mét xuống mặt đất, trong vỏ quả pháo cấu tạo những cái đinh hình mũi tên dài cỡ hơn hai centimét, nằm chìm giữa lớp vỏ, khi pháo nổ những cái đinh đó văng ra chụp xuống mặt đất theo hình cái nơm. Chúng cứ bắn như thế chẳng may trúng phải đơn vị đang hành quân nào thì cũng làm sát thương vài chục người. Nhưng ít khi trúng lắm! Hình như bom đạn nó tránh người, chứ người đâu có tránh được bom đạn. Tụi Mỹ nghiên cứu ra lắm thứ, lắm kiểu để giết người.
Phải nói khoa học giết người của chúng nó giỏi thật! Nhưng chúng nó có biết đâu đa phần bom đạn cứ rơi vào chỗ không người! Lần đó, mấy anh em ngồi trong hầm cứ thấy hầm hơi rung lên một chút. Cũng là thường thôi, bom nổ gần thì hầm rung lên thì có gì là lạ. Chẳng để ý lắm, đến lúc lên khỏi hầm mới biết một quả pháo nổ tức thì bắn trúng cái đệm để trên nóc hầm, lông gà, lông vịt gì đấy bắn tung toé, trắng cả nóc hầm, toang toàng hết ra xung quanh, anh em được một bữa cười chí chết. Cười vì may không gặp pháo khoan, cười vì lông gà, lông vịt... Lại chuyện của anh em khi qua bến vượt, mấy chú lúc đầu là chúa lười đào hầm. Chỉ huy có bắt đào hầm thì đào rất qua loa, đại khái. Hôm đó trên bến vượt, tụi nó bắn pháo cấp tập, mấy chú không có hầm cứ rúc lung tung vào các bụi cây lúp xúp gần bờ nước, hoặc bạ chỗ nào có thể rúc được là rúc. Mảnh pháo bay rào rào, may cũng chưa ai việc gì.
Chương 10
Vượt sông
TRỊNH HOÀ BÌNH
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325
Tôi vượt sông Thạch Hãn để vào Thành cổ lúc 5 giờ chiều ngày 31/8/ 1972. Lúc ấy trời đã tối. Mưa đầy trời và những đám mây như bay sạt qua đầu. Phía trước có tiếng đạn pháo nổ vọng lại trong ánh chớp nhì nhằng, báo hiệu cho biết đó là chiến trường. Có tiếng lao xao: "Nhan Biều", "Bến vượt"... rồi có lệnh dừng lại để vượt sông.
Cả đơn vị dừng lại, tôi cố căng mắt nhìn quanh mà không nhận ra khuôn mặt nào quen thuộc. Chúng tôi là lính thuộc Tiểu đoàn 58 Trung đoàn 59 Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, cùng nhập ngũ tháng 4 năm 1972. Sau ba tháng huấn luyện, đầu tháng 8 chúng tôi lên đường vào chiến trường. Trước đó vài hôm, cả đơn vị vào đến Bãi Hà, nhận thêm quân trang và vũ khí đạn dược. Một ngày sau tôi được chọn cùng một số anh em lên đường đi trước. Cứ nghĩ là mình đi tiền trạm như bao chặng hành quân khác, bây giờ tôi mới biết, mình được chọn để vào trận ngay, chiến trường đang cần người.
Dùng tấm tăng để gói ba lô làm phao, tôi đặt khẩu AK lên trên đúng như những gì được dạy, có lệnh vượt sông. Hai tay bê chiếc ba lô và khẩu súng, tôi đi theo cái bóng trắng phía trước. Cả đoàn quân đang vượt sông. Mưa vẫn rơi, mỗi lúc một nặng hạt. Nước sông khá lạnh và có vẻ chảy xiết. Vượt sông mà nước xiết thế này thì mệt đây... Rồi lại có lệnh truyền từ trên xuống, mỗi tiểu đội lên một chiếc thuyền để vượt sông... Mà không phải thuyền. Đó là một chiếc xuồng cao su vá lỗ chỗ, tôi sờ thấy những miếng vá to gần bằng bàn tay. Từ chỗ tôi ngồi có bốn miếng vá, vậy chiếc xuồng này có khoảng bốn mươi miếng vá như thế ư? Chiếc xuồng này cũ quá rồi, sao người ta không thay đi nhỉ?
Tôi cứ ngồi nghĩ lan man mà chẳng dám hỏi ai. Hai người lính công binh đang ra sức đưa chúng tôi vượt sông. Có một sợi cáp thật to, có lẽ phải bằng cổ tay tôi được căng ngang sông. Tôi nhìn sợi cáp, nó như hút vào đêm tối. Tôi nắm lấy sợi cáp như để ước lượng, cũng muốn giúp hai anh lính công binh. Sợi cáp run bần bật trước sức nặng của con xuồng và dòng nước xiết. Đã ra được nửa sông chưa nhỉ? Tôi có cảm giác da tay mình bật ra và ứa máu. Anh bạn ngồi phía trước tôi bất giác ho khùng khục. Sau tôi mới biết anh chàng này là sinh viên khoa Toán của trường Đại học Sư phạm, quê ở Nam Hà, bị hen nhưng giấu bệnh và tình nguyện nhập ngũ, là lính của Tiểu đoàn 60. Đêm lạnh, mưa lại to đã khiến anh ho lên như thế. Người lính công binh có dáng người thấp đậm cúi sát vào tai người vừa ho, giọng đánh gằn: "Im cái mồm, An Tiêm kia kìa!". An Tiêm... An Tiêm... Một cái tên thật đẹp, sao anh ta lại mang ra gắt với đám chúng tôi.
Mặt trận có vẻ đã gần hơn. Tôi đã nghe rõ tiếng đạn pháo bay vi vu và nhìn thấy ánh đèn dù thấp thoáng trong bóng mây. ở phía bắc và hướng thượng nguồn có những dây chớp sáng xa xa. Đó là chớp của B.52 rải thảm. Mưa vẫn rơi và mây như bay sạt qua đầu. Mặt trận đây rồi. Đó sẽ là nơi mà tôi và những người lính trên chiếc xuồng này sẽ lao vào với tất cả tinh thần và sức lực của mình. Năm ấy tôi vừa tròn mười bảy tuổi, ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, có một gương mặt nhung nhớ khắc trong tim nhưng chưa phải là tình yêu.
Sau này, còn nhiều con sông nữa tôi đã cùng đồng đội vượt qua, lúc bằng xuồng, lúc bơi lội... Nhưng kỷ niệm về con sông Thạch Hãn ở Thành cổ Quảng Trị, của cái đêm vượt sông lần đầu tiên nếm trải mùi vị của chiến tranh là không thể quên, giống như con sông Hồng quê tôi đã cho tôi kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu; con sông Thạch Hãn khiến cho tôi lớn lên, từng trải, cùng tôi đi qua cuộc chiến tranh. Sau này tôi đã được ngắm con sông vào những ngày thanh bình. Đó là con sông trong xanh, hiền hòa như bao con sông khác trên quê hương tôi, quê hương Việt Nam!