Duck hunt

Chào mừng các bạn đã ghé thăm SinhVien.Wen.Ru hãy Save Bookmark bằng Opera mini để tiện truy cập nhá.
Danh mục
Truyện dài

Khởi Nghĩa Đoàn Hữu Trưng

Tác giả: Bùi Thụy Đào Nguyên

Cuộc khởi nghĩa Đoàn Hữu Trưng xảy ra vào ngày 16 tháng 9 năm 1866 do Đoàn Hữu Trưng (còn được gọi là Đoàn Trưng) khởi xướng, có thể gọi là một cuộc đảo chính lần thứ ba dưới triều vua Tự Đức (lần thứ nhất do Hồng Bảo mưu sự vào năm 1854. Việc không thành, ông chết thảm trong ngục. Lần thứ hai do Hồng Tập mưu sự vào năm 1864. Việc không thành, ông cũng bị hành hình).

Những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tin rằng việc đưa Đinh Đạo (tức Ưng Đạo, con trai trưởng của Hồng Bảo) lên thay Tự Đức sẽ cải thiện được tình hình rối ren trong nước và công cuộc kháng Pháp sẽ hiệu quả hơn.

Do lực lượng khởi nghĩa dùng chày vôi (dụng cụ lao động) làm vũ khí, nên sử nhà Nguyễn và người dân quen gọi sự kiện này là “Loạn chày vôi” hoặc “Giặc chày vôi”.(1)

I.Nguyên nhân:

Tự Đức lên ngôi trong lúc chế độ phong kiến ngày càng mục nát, kiệt quệ và cuộc sống của người dân vốn chịu nhiều tai ách đã hết sức cùng cực. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều năm liền, loạn lạc nhiều nơi, thực dân Pháp đang lấn chiếm nước Việt và nội bộ hoàng tộc cũng đang ran vỡ, phân hóa trầm trọng.
Nhắc lại, trước cuộc khởi nghĩa của Đoàn Trưng, triều Tự Đức đã xảy ra hai sự kiện gây rạn vỡ lớn, đấy là vụ Hồng Bảo (1854) và vụ Hồng Tập (1864, xem chú thích 2) Đoàn Hữu Trưng đứng về phía những người chủ chiến và những người dân bị bóc lột, bị áp bức. Ông nhận thấy cần phải thay thế Tự Đức, bằng một ông vua yêu nước tiến bộ khác, mới có thể chỉnh đốn và bảo vệ được đất nước trước họa ngoại xâm.

II. Diễn biến:
Khởi đầu, Đoàn Hữu Trưng xin ra khỏi Ký Thưởng viên của cha vợ là Tùng Thiện Vương, đồng thời trả vợ là Thể Cúc với cớ “ bất kính với cha mẹ chồng” (rất có thể đây chỉ là cái cớ, phòng khi cuộc khởi nghĩa thất bại, vợ và gia đình bên vợ ít bị liên lụy. Theo Đỗ Bang, sách dẫn bên dưới, tr. 137).

Được tự do, Đoàn Hữu Trưng liền “rượu sớm trà trưa” để có dịp kết giao với những người cùng chí hướng.

2.1 Bước I: Đông Sơn thi tửu hội:
Có lẽ, Đông Sơn thi tửu hội ra đời trong khoảng từ 1864-1865 với chủ trương “uống rượu, ngâm thơ, tiêu khiển phóng khoáng”. Nhưng thực tế, tổ chức này chính là “bộ tham mưu” của cuộc khởi nghĩa, còn chuyện “thơ rượu” chẳng qua chỉ là vỏ bọc để che mắt những quan lại, sai nha khác chính kiến đang rình rập khắp nơi...

Buổi đầu, hội có năm người gồm Đoàn Hữu Trưng (đứng đầu) và hai em ruột là Đoàn Tư Trực, Đoàn Hữu Ái cùng hai người bạn thân thiết là Trương Trọng Hòa và Phạm Lương.

Sách lược thầm kín của của hội là tôn phù Đinh Đạo lên ngôi vua và tôn Tự Đức lên làm Thái thượng hoàng:
“...Trước tôn vua Thái thượng hoàng,
Sau tôn ngũ đại đồng đường lên ngôi...” (trích Trung nghĩa ca của Đoàn Hữu Trưng.)

Để rồi:
“...Trong trừ tả đạo cho thanh,
Ngoài cùng Tây tặc tranh giành một phen...”(tả đạo ám chỉ đạo Thiên Chúa, Tây tặc chỉ thực dân Pháp. Trích Trung nghĩa ca của Đoàn Hữu Trưng.)

2.2 Bước II: Tuyên truyền, vận động:
Theo sách lược trên, ba anh em họ Đoàn đã thực hiện được những việc:
- Đoàn Tư Trực: khảo sát tình hình nội thành, cải trang thành người bán sách để bí mật gặp Đinh Đạo đang bị quản thúc trong cung.

Đỗ Bang cho biết khi vào được trong cung, Đoàn Tư Trực đã kết nghĩa với Đinh Đạo. Dự kiến Tư Trực sẽ tìm cách giải thoát cho Đinh Đạo và đưa ông vào Nam gặp Trương Định, để cùng kháng Pháp...(sách ghi bên dưới, tr. 141). Phạm Văn Sơn cho biết “ năm Tự Đức thứ 17 (1864) nhân vì phát giác ra vụ án của tên nghịch Võ Tập nên lại phải giam vào ngục tối ở phủ Thừa Thiên. Đinh Đạo giam riêng một nơi...”(sách ghi bên dưới, tr.24). Như vậy, việc gặp mặt này nếu có, chắc chắn phải xảy ra trước khi Đinh Đạo và ba em bị giam cầm trong ngục tối.

- Đoàn Hữu Ái: năm 1885, cạo đầu giả làm nhà sư, để lôi kéo các sư sãi và một số tín đồ Phật Giáo, vốn rất được xem trọng ở Huế, vào tổ chức. Đặc biệt, là đã vận động được sư Nguyễn Văn Quý, trụ trì chùa Long quang có chùa riêng là Pháp Vân (chùa Khoai), nhận giúp mấy việc: làm “quân sư” cho hội Đông Sơn, cho hội mượn chùa làm cơ sở bí mật dùng để hội họp, chế tạo khí giới, may cờ và sẽ là bản doanh khi cuộc khởi nghĩa nổ ra.

Đây là một thành công lớn của hội, vì thuở đó, nơi chùa Pháp Vân tọa lạc là một vùng đồi núi hiểm trở, đi lại rất khó khăn, ít người lui tới. Chùa Pháp Vân cách kinh thành 5 km, chỉ cách Vạn Niên cơ (lăng Tự Đức) khoảng 1 km, nơi mà ngày cũng như đêm luôn có khoảng ba ngàn quân lính, phu thợ đang chịu khổ sở vì việc xây lăng.
Bấy giờ, trong dân gian có câu: “Vạn Niên là Vạn Niên nào? Thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Và câu: “Một thằng Biện Chất nên ghê, Xem quân như cỏ chẳng hề xót thương”. Phạm Văn Sơn nhận xét: Hai câu này có ý khích động lòng công phẩn của nhân dân. Nhưng chưa dễ là của nhân dân mà có thể là do phe đảo chính tung ra.(sách dẫn bên dưới, tr.19). Và đây chính là đối tượng cần tuyền truyền, để trở thành lực lượng nồng cốt cho cuộc khởi nghĩa.

- Đoàn Hữu Trưng: lôi kéo được các quan lại cao cấp nhận làm nội ứng, chuẩn bị được hàng trăm chiếc thuyền chờ sẳn khi khởi sự ở bến đò Trường Súng...
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, hội có thêm một số người tham gia, như: Tôn Thất Cúc (hữu quân), Tôn Thất Giác (vệ úy), Lê Chí Trực (đội trưởng), Lê Văn Cơ (đội trưởng), Bùi Văn Liệu (suất đội), Lê Văn Tề (lính vũ lâm), Nguyễn Văn Quí (nhà sư trụ trì chùa Long Quang, có chùa riêng là Pháp Vân), Nguyễn Văn Viên (nhà sư), Nguyễn Văn Lý (nhà sư) v.v...

2.3 Bước III: Khởi nghĩa:
Sau khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, bộ chỉ huy do Đoàn Hữu Trưng lãnh đạo quyết định chọn đêm 16 rạng ngày 17 tháng 9 năm 1866, là ngày hữu quân Tôn Thất Cúc trực ở kinh thành và suất đội Bùi Văn Liệu đã có mặt ở công trường Vạn Niên, làm thời điểm xuất kích.

Để có cớ tập trung đông người, Đoàn Hữu Trưng bàn với mẹ và vợ Đinh Đạo xin lập đàn chay cho Hồng Bảo. Lúc này Hồng Bảo chết đã lâu và các con ông đều đã bị giam cầm, nên nhà vua chấp thuận.



Nguồn: HayQua.Wap.Sh
SEO : Bạn đến từ :
sinhvien.wen.ru