80s toys - Atari. I still have

Chào mừng các bạn đã ghé thăm SinhVien.Wen.Ru hãy Save Bookmark bằng Opera mini để tiện truy cập nhá.
Danh mục
Truyện dài

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Tác giả: nhiều tác giả

Chương 29

Bản kỷ thực lục Q3(b)


Nhà Hậu Lê (1473 - 1497)
Tháng 4 nhuận, ngày 24, định lệnh về số tiểu đồng đi theo hầu trong khi tiến triều. Lệnh quy định: Đại thần và các quan văn võ từ nay khi vào chầu, đến ngoài cửa Đại Hưng phải xuống kiệu hoặc ngựa. Nếu là công, hầu, bá, phò mã thì được 2 tiểu đồng theo hầu, quan nhất phẩm được 1 người. Khi vào đến ngoài cầu Ngoạm Thiềm thì dừng lại. Ai vi phạm thì quan giữ cửa ngăn lại, tâu hặc lên để giao xét hỏi.

Mùa thu, tháng 7, ngày 13, ra sắc chỉ cho Lễ bộ yết bảng như sau:
1. Quan các vệ, sử năm phủ sau khi tan chầu đều phải về nha môn của mình để bàn bạc việc quan, không được như trước đây [45b] tụ họp bàn luận ở ngoài rèm trong kho Loan Giá.
2. Khi các quan vào chầu và khi còn ở trong triều đường, lại viên các nha môn đi theo bản quan đến bên ngoài các cửa Đông Trường An và Nam Huân thôi, không được như trước đây, vào cửa bừa cả cửa Chu Tước. Nếu là lại viên các nha môn Lại bộ, Lục khoa, Thượng bảo tự, Đạc chi thông chính sứ đi và hộ vệ thì không ngăn cấm.
3. Khi tan chầu, lại viên các nha môn năm phủ, sáu bộ, Đông các, Ngự sử đài, sáu tự, sử quan đem sổ vào để kiểm xét, hay vào sáu khoa để tra xét sổ sách thì đều không cấm.
Ngày 26, định lệnh rằng: Kẻ nào đem việc can phạm đáng được ân xá và đã xảy ra trước khi có ân xá mà cáo giác ra nữa thì phải tội. Đó là theo lời tâu của Đề hình giám sát ngự sử Nguyễn Tư Phụ.
Ngày 27, định lệnh khảo thí cho nghiêm ngặt để miễn tuyển. Ra sắc chỉ quan hai ty Thừa, Hiến các xứ rằng:
[46a] Trước đây, khảo thí để miễn tuyển, có nhiều kẻ mang sách, thi hộ, số đỗ đến hơn vạn người, rất là nhũng lạm. Kể từ nay, các xứ khảo thí hạng nói trên, phải lấy người biết chữ, hay văn. Đến khi thi phúc hạch mà còn có kẻ bỏ trắng hay bất thành văn lý, thì cho các quan đề điệu, giám thí, tuần xước niêm phong quyển thi ấy lại tâu lên. Nếu từ 1 người đến 4,5 người như vậy còn bản thân người đó thì xử tội đồ làm lính.
Tháng 8, ngày mồn 3, định nghi thức vào chầu cho các quan. Nghi thức như sau:
Kể từ nay, vào ngày phiên chầu, hồi trống thứ nhất, quan hộ vệ theo thứ tự tiến vào Đan Trì, hồi trống thứ nhất, quan hộ vệ theo thứ tiến vào Đan Trì, không được đường đột tranh đi trước, chen lấn lộn xộn. Sau khi trống đã đánh hồi thứ ba mà các quan còn ở ngoài cửa Chu Tước và sau khi chuông đã đánh quá 50 tiếng rồi [46b] mà còn ở bên tả, ty Xá nhân vệ Cẩm y hặc tâu lên để trừng trị.
Tháng 4, định lệnh về việc biết chữ viết hộ đơn kiện và xúi giục người kiện.
Mùa đông, tháng 10, ngày 14, sửa lại lệch về con đích, con thứ.
Vua dụ các quan viên lớn nhỏ và dân chúng rằng:
Những con cháu được dự vào việc thừa tổ tiên, không kê tuổi tác lớn hay nhỏ, không cứ là trật quan cao hay thấp, phải theo đạo luân thường, giao cho con đích. Nếu con đích chết trước thì giao cho cháu trưởng, nếu không có cháu trưởng thì mới dùng đến con thứ. Người vợ đích lại không có con cái, thì mới chọn người tốt trong số các con người vợ thứ. Nếu con trưởng, cháu trưởng bị bệnh tật, hoặc là hạnh kiểm không tốt, không đáng được thừa tự thì nên cáo ngay cho quan có trách nhiệm chọn người con hoặc cháu khác làm thừa tự [47a]. Như vậy để tỏ rằng: Người làm cha không được quá yêu dấu thiên lệch để xảy ra tan cửa nát nhà, kẻ làm con không được bất nghĩa mà gây thói xấu tổn thương phong hóa.
Tháng 11, có lệnh bổ các có lệnh bổ các chức thuế sứ, phố chính. Ra sắc chỉ rằng:
Kể từ nay, chức thuế vụ sứ bị khuyết thì Lại bộ lấy viên lại nào có chân xuất thân ở các nha môn đã được tuyển chọn nhưng chưa được lấy dùng mà thuyên bổ, để tiện việc ghi chép và tra cứu các sổ thuế. Còn các thuế sứ như dịch thừa, phố chính thì lấy các quân cơ có công chém giặc, đã được tuyển chọn nhưng chưa được lấy dùng mà thuyên bổ, theo nhu lệ trước. Đó là theo lời tâu của Lại khoa cấp sự trung Hoàng Thiệu.
Ngày 14, nhắc lại lệnh về hào cường hoành hành. Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc Kinh Dương bá Lê Quyền tâu rằng:
Hễ là hạng hào cường cậy thế mà phạm các tội đánh người bị thương, cướp đoạt [47b] ruộng đất, tài vật của người khác, cày phá mồ mả, xâm phạm làm tổn hạiđến người khác, từ 3 lần trở lên, rõ là hành vi ngang ngược của bọn cường hào mà dẫu có ân xá cũng không được hưởng, thì bị trừng trị theo tội cường hào hoành hành. Nếu những việc can phạm nói trên chỉ có một hai lần, cùng là các tội tranh nhau về ruộng đất, hay đánh nhau... thì theo luật mà trị tội.
Ngày 21, chọn bổ các phương diện quan1994 và giám thủ khách sứ1995 .
Ra sắc chỉ rằng: Thừa ty, Hiến sát là những phương diện quan, trách nhiệm đã tôn, quyền uy cũng trọng, trong khi tuyển bổ phải dùng người tốt. Nếu bị khuyết: Tham nghị thì dùng quan từ lục phẩm trở lên: có tài năng kiến thức và uy tín, nhậm chức đủ 4 lần khảo khóa trở lên; Hiếu sát thì dùng quan các nha môn, khoa đài, Quốc tử giám, Lục tự mà thanh liêm, sáng suốt, từng trải đủ 4 lần khảo khóa trở lên được mọi người suy tôn ca ngợi, theo lệ mà tuyển bổ. Nếu dám lấy tình riêng, tuyển bổ bậy những kẻ phẩm trật thấp, tại chức ít ngày, [48a] để đến nỗi dư luận không hay, việc dân sinh tệ thì Lại khoa xét hỏi tội.
Định lệnh cho sứ thần các phiên bang vào triều cống kinh quốc1996 .
Nếu sứ thần các nước Chiêm Thành, Lão Qua, Xiêm Lam, Trảo Oa, Lạt Gia1997 và đầu mục phụ trách các trấn biên giới đến quán Hội Đồng thì vệ Cẩm y sai kỳ quân các ty Tráng sĩ, ngũ thành binh mã và lang tướng đều phải theo đúng phép mà trông giữ, nghiêm ngặt canh phòng, cho những khi đi lại trên đường, vào chầu ra mắt cũng phải dẫn đưa sau trước, xua đuổi bọn tiểu nội1998 , bọn nô tỳ công tư, không cho chúng được đến gần hỏi han, trao đổi trò chuyện, để xảy ra tiết lộ sự tình, dụ dỗ gây tệ hại. Nếu giám quan phụ trách không biết phòng ngừa nghiêm ngặt, lấy tình riêng mà dung túng, thì các kỳ bài tráng sĩ ty Xá nhân vệ Cẩm y cứ thực tâu lên để bắt về trị tội.
[48b] Ngày 26, định lệnh tôn trọng lễ nghĩa, khuyến khích nông tang. Vua dụ các quan Thừa, Hiến, các quan phủ, huyện, châu các xứ trong nước rằng:
"Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo. Hai điều đó là việc cần kíp của chính sự, là chức trách của các quan nuôi giữ dân. Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ tất cả những phép dạy dân nên phong tục tốt, những việc dấy lợi trừ hại cho dân, không điều gì không nói rõ trong các huấn dụ để các ngươi theo thế làm.
Thế mà của cải của dân vẫn chưa được dồi dào, phong tục dân vẫn chưa được sửa tốt, há chẳng phải do bọn các ngươi chỉ lấy sổ sách làm việc gấp mà coi giáo lệnh chỉ là mớ hư văn, xem ước hẹn hội họp là cần trước tiên mà để phong tục của nhân dân ra ngoài suy nghĩ, cho nên đến nỗi như thế? Kể từ nay, bọn các ngươi hãy bỏ hết tệ trước, tất cả sắc lệnh của triều đình, phải một lòng một dạ thi hành. Dân chúng bị đói rét thì phải trăm phương nghĩ cách xoay xở. Quan phủ, huyện, châu hằng năm phải định kỳ [49a] xem xét chỗ ruộng cao, ruộng thấp, khuyên dạy việc nông tang. Đất nào còn bỏ không thì tìm cách mà khai khẫn, người nào còn sức lực thì tuỳ việc cho trông nom, để cho dân có của thừa và không còn nạn đói rét lưu vong nữa. Hoặc là trong dịp tuần hành hằng năm, đến chỗ dân cư thôn xóm nào, đều phải lần lượt nên rõ nội dung của các sắc dụ đời trước, lời dạy về lễ nhạc xưa nay, ân cần bảo ban, để dân theo điều lành, sửa tội lỗi. Nếu có việc gì hại giáo hoá, xấu phong tục phải để ý răn trị. Người nào trung tín, hiếu, đễ, phải chú ý khen thưởng. Như vậy thì dân đều trở nên trung hậu mà thói
điêu bạc gian dối đều được trừ bỏ. Người nào biết tuân theo và thi hành có hiệu quả thì hai ty khai tâu lên để khen thưởng. Nếu viên nào coi thường chức sự thì bãi chức sung quân".
Tháng 12, ra lệnh rằng: Quan coi sông ở các xứ, nếu gặp ngày dâng biểu, cho phép làm [49b] lễ ở nha môn mình, không phải tới Đô ty.
Lấy Lê Đoan Chi làm Binh bộ thượng thư: Lê Công Nhượng làm Lễ bộ thượng thư; Quách Đình Bảo làm Hình bộ thượng thư; Đặng Kiến Tố làm Giám sát ngự sử; Lê Chi làm Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc Bình Thuần bá; Lê Quảng Chí làm Lễ bộ tả thị lang kiêm Hàn lâm viện chưởng viện sự.
Năm đó giết Trần Phong.
Vua dụ bọn Thượng thư Nguyễn Như Đổ rằng:
Trần Phong hồi trẻ là cựu thần của Lệ Đức hầu1999 . Đến khi hắn làm kinh diên cho Nhân Tông thì yêu quý Lệ Đức, rất khinh miệt ta. Nay Phong làm bầy tôi của ta lại thường mang lòng bất trung, bảo rằng ta đặt quan hiệu của nhà Minh mà làm trái thông chế của quốc triều, cái bụng trái đạo làm tôi của hắn đã rõ lắm rồi. Phong đã bội phản, ai buộc được ra tay mà không thể giết nó? Phong là tên phản quốc, ai là kẻ [50a] giơ càng bọ ngựa bênh nó hãy tự ra thú để ta được biết.
Lại dụ bọn Như Đổ rằng:
Ta thấy Trần Phong là người ngoan ngạnh kênh kiêu bạc, trước sao dụ bảo hắn là phải. Còn như hai lần ban thơ tặng hắn, thì lỗi ấy của ta to lắm, cắn rốn hối lại sao kịp? Ta xem vua Hiếu Cảnh nhà Hán, vua Thái Tông nhà Đường, sử khen vào hàng Thất chế, Tam tông2000 , cũng còn hối hận về Triều Thác, Tổ Thượng. Ta không anh minh bằng hai vua ấy, làm sao tránh được nhiều điều lầm lỗi đáng tiếc!.
Bính Ngọ, [Hồng Đức] năm thứ 17 [1486], (Minh Thành Hóa năm thứ 22). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 12, ra sắc chỉ rằng:
Kể từ nay, Giám sát ngự sử có sai đi công cán ở nơi khí độc như các xứ Yên Bang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Nam thì sai Giám sát ngự sử cai đạo. Nếu Giám sát ngự sử cai đạo sai đi đã hết rồi thì cho sai Ngự sử thông cai. Nếu ngự sử cai đạo và Ngự sử thông cai sai đi đã [50b] hết, mới lần lượt sai Ngự sử đạo khác.
Ngày 15, ra sắc chỉ rằng: Các viên nho chỉ huy ở các vệ, ty thì Lại bộ cùng quan vệ đó cộng đồng duyệt chọn những người được nhận văn chức ở các nha môn trong ngoài, người nào có chân thi hội trúng trường và sức vóc khỏe mạnh thì bổ vào các ty ở nha môn để túc trực phục vụ.
Ngày 16, sai quan kiểm nghiệm các vật liệu quân nhu.
Ngày 25, định lệnh đắp dựng mốc giới ruộng đất công tư. Phép làm như sau: Khi rảnh việc làm ruộng, quan phủ huyện chiếu theo bốn mặt giới hạn của ruộng đất trong sổ và ruộng đất được ban cấp, tập hợp những người già cả và xã thôn trưởng cùng nhau chỉ dẫn ruộng công và ruộng đất thế nghiệp là những chổ nào, dựng mốc giới để làm phép vững chắc lâu dài.
[51a] Tháng 2, ngày mồng 3, định lệ bản đề, bản tâu và thể ký tên.
Ngày 29, ra sắc chỉ rằng: Kể từ nay, Thông chính sứ ty nhận được bản tâu của quan viên các nha môn trong ngoài, nếu bản nào có chữ viết thiếu sót sai lầm phải lập tức kiểm soát tâu lên, giao cho Hình bộ phạt tiền như lệnh. Nếu là lính và dân thường thì miễn tiền phạt.

Tháng 3, tuyển người khoẻ mạnh sung quân.
Ngày 14, ban hành điều lệnh Hồng Đức quân vụ gồm 27 điều.
Xét năm Hồng Đức thứ 6, ngày tháng 3, đã ban xuống lệnh sau:
1- Các con của quan văn võ nhất phẩm, nhị phẩm và con trưởng của quan tam phẩm, các cháu của công, hầu, bá không biết chữ thì sung làm nho sinh ở Sùng Văn quán. Các con của quan tam phẩm và con của tụng quan văn võ tứ, lục, thất, bát phẩm không biết [51b] đọc sách thì sung làm quân ở vệ Vũ Lâm, nếu biết đọc sách và thi đỗ thì sung làm nho sinh ở Túc lâm cục, nếu có tài làm lại và thi đỗ thì sung làm lại ở các nha môn trong ngoài. Quan cửu phẩm thì được 2 con như con của quan bát phẩm, còn các con khác thì như con dân chúng thôi. Cháu của quan thất phẩm trở xuống thì tuyển sung quân như lệ của dân chúng.
2- Cha, con, anh em ruột từ 3 đinh trở lên cùng ở trong sổ hộ tịch của xã thì miễn cho 1 đinh không phải tuyển duyệt sung quân; nếu ở xã, huyện khác thì không được miễn.
3- Những người làm thuê, làm mướn có biết chữ và đã có ty Thừa tuyên bản xứ chuẫn cho thì được miễn không phải sung quân.
Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 6, Hiến sát sứ của Hiến sát sứ ty các xứ Thanh Hoa là Nguyễn Tộ tâu rằng: Nếu là các quan phủ, huyện mà không chăm đôn đốc làm đê đường cừ đập thì không được thăng cấp.
Ngày 13, ra sắc chỉ cho các vệ rằng: Nô tỳ của các thế gia phải khai họ tên gửi [52a] đến phủ Phụng Thiên để kiểm soát. Đó là theo lời tâu của Thiếu doãn phủ Phụng Thiên Nguyễn Tất Bột.
Ngày 21, định các việc xây đắp vào lúc rỗi việc nông.
Tri huyện Thư Trì2001 , phủ Kiến Xương là Trần Nhữ Vi tâu rằng:
Đồng ruộng các xứ trong nước cao thấp khác nhau, ruộng mùa, ruộng chiêm lúc bận, lúc rỗi khác nhau. Ruộng mùa thì tháng 2 tháng 3 gieo mạ, ruộng chiêm thì cần kíp về cuối mùa đông. Nay hữu ty gặp có công việc gì, không xét tới thuận lợi cho việc làm ruộng, cứ nhất luật cho cuối mùa đông là lúc rỗi việc đồng áng, thế là chỉ tiện riêng cho dân làm mùa mà dân đồng chiêm thì có trở ngại. Cúi xin từ nay trở đi, nếu có các việc đào đắp thì hai ty phải điều tra xem xứ nào làm ruộng mùa thì khởi công vào cuối mùa đông, xứ nào làm ruộng chiêm thì làm vào những tháng xuân để tiện lợi cho việc của dân. Vua nghe theo.
[52b] Ngày 24, ra sắc chỉ rằng: Ruộng công cứ 6 năm lại kiểm tra đo đạc lại để quân cấp như trước.
Nhắc lại lệnh kiểm soát kẻ trốn đi.
Tháng 5, ngày mồng 1, cấm kén tiền. Sắc chỉ ghi rằng: Việc dùng tiền, quý ở chỗ trên dưới lưu thông, chứa ở kho tàng thì quý ở chỗ để lâu không hỏng. Kể từ nay các nha môn trong ngoài có truy đòi các khoản tiền phạt công hoặc tư, cùng là chi phát, kiểm tra các hạng tiền, cần đem vào kho công chứ lại, thì đều phải chọn lấy tiền đồng thực, tuy vành đồng có sức mẻ một chút nhưng là đồng thực, để lâu không hỏng, cũng nên nhận lấy. Còn về tiền thay lương cho quan lại và tiền dân chúng sử dụng trong mua bán, hễ là đồng thực còn xâu dây được thì đều phải nhận tiêu, không được loại bỏ hay kén chọn kỹ quá.
[53a] Ngày 22, cấm quan lại nhận chức ở ngoài lấy đàn bà con gái trong bộ hạt của mình.
Ngày 26, mở rộng nhà ngục, bổ thêm người giữ ngực để sai phái.
Định kiểu mũ vào chầu: Kể từ nay, các quan văn võ vào chầu thì đội mũ sa đen, hai cánh đều nhất luật hơi ngả về phía trước, không được tự ý hoặc làm ngang, hoặc làm chếch.
Tháng 6, ngày 11, nhắc rõ lệnh về việc tâu báo việc cấp:
Kể từ nay, các việc công, tư chưa kinh qua các nha môn, châu, huyện, phủ, thừa hiến, đài cùng các viện tuy đã báo rồi nhưng chưa điều tra xong thì đều không được tâu báo vượt lên.
Ngày 12, có lệnh cấm không được ở phiên trấn này đổ vào sổ ở phiên trấn khác, như các xứ thừa tuyên Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hóa, An Bang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, thì Thanh Hoa không được đổi vào Nghệ An, Lạng Sơn không được ghi [53b] vào Thái Nguyên.
Ngày 18, ra lệnh cho các phủ, huyện, xã rằng: Nơi nào có ruộng bỏ hoang ở bờ biển mà người ít ruộng tình nguyện bồi đắp để khai khẩn nộp thuế thì phủ huyện xét thực cấp cho làm.
Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 1, Giám sát ngự sử đạo Hải Dương Đào Như Lý tâu rằng:
Các sĩ nhân đương đi thi mà gặp phải kỳ lên phiên thì phải nộp tiền. Vua y theo.
Trước đây, từ mùa thu năm Hồng Đức thứ 12 trở về trước, các quan viên tuy chưa đỗ thi hương cũng cho vào thi hội, đến đây có sắc chỉ rằng: Các quan viên, ai có thể theo nghề khoa cử tình nguyện vào thi, nếu ở kinh thì tới phủ Phụng Thiên, ở ngoài thì tới ty Thừa tuyên sở tại mà thi. Trước hết phải qua sát hạch ở phủ huyện như lệ thi hương của dân thường, sau đó, cho vào trường thi hội. Đó là theo lời tâu của Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng Văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương [54a] Thế Vinh.
Tháng 9, ngày mồng 4, đặt chức Tuần kiểm sứ ở Viêm Sơn, Dịch Sơn, Phong Sơn, Lộng Sơn thuộc thừa tuyên Lạng Sơn.
Ngày mồng 6, ra sắc chỉ rằng:
Người nào dự khảo thi để miễn duyệt tuyển và các hạng con cháu quan viên, quân sắc, thư toán do Xã trưởng bản xã đến Lễ bộ làm giấy cam đoan nhận mặt, đến ngày thi, sáng sớm đưa đơn vào cửa Bảo Khánh để chỉ dẫn rồi mới cho vào trường thi. Đó là theo lời tâu của Lễ bộ tả thị lang kiêm Kim quan môn đãi chiếu Vũ Hữu.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 3, nhắc lại thể thức tờ tâu.
Ngày mồng 5, có lệnh cấm con cháu và nô bộc các nhà thế gia vô cớ phóng ngựa trên đường phố.
Ngày 26, sai bọn Lễ bộ thượng thư Lê Năng Nhượng, Phạm Phúc Chiêu, Quách Liễn [54b] sang tiến cống nhà Minh.
Ngày 29, cấm mò trộm ngọc châu.
Thi con cháu các quan viên, hỏi về văn, viết chữ, làm tính.
Mùa đông, tháng 11, định cách ra vào trong hàng ban chầu. Các quan văn võ, sau khi ban chầu đã bày, hoặc tâu việc gì, tâu xong lùi ra, hoặc có công việc, viêc xong đi ra, đều phải đi vòng theo ban mà cúi rạp xuống, không được đi ngang đi tắt.
Năm ấy, lấy Lê Đoan Chi làm hộ bộ thượng thư Tá Quốc hầu, Nguyễn Như Đổ làm Lại bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tế tửu, Lê Vĩnh làm Bắc quân đô đốc phủ tả đô đốc Đường Khê hầu; Nguyễn Quán làm Trung quân đô đốc phủ hữu đô đốc Mậu Kính tử; Lê Tuyền làm Phò mã đô úy Tử Nghiêm bá, Nguyễn Tứ Chí làm Thanh hình [55a] hiến sát sứ ty hiến sát xứ các xứ Hải Dương.
Đinh Mùi, [Hồng Đức] năm thứ 18 [1487], Minh Thành Hóa năm thứ 23). Mùa xuân, tháng 2, cấm xưng hô tiếm vượt.
Tháng 3, thi hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Phạm Trân 60 người.
Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 7, vua thân hành ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước. Xem quyển xong lại cho gọi các tiến sĩ hạng ưu vào cửa Nhật Quang, thân hành giám định. Lấy Trần Sùng Dĩnh đỗ thứ nhất, rồi đến Nguyễn Đức Huấn, Thân Cảnh Vân, đều ban tiến sĩ cập đệ; bọn Vũ Cảnh 30 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Trân 27 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Ngày 28, nhắc lại lệnh xưng hô danh hiệu: Như thân vương thì người dưới xưng là "điện hạ", tự thân vương là "phủ hạ"; công, hầu, bá, phò mã và nhất nhị phẩm thì [55b] xưng là "các hạ"; nhị phẩm, tam phẩm là "môn hạ"; tứ, ngũ, lục phẩm là "đại nhân"; thất, bát, cửu phẩm là "quan trưởng"... Kẻ nào
còn dám xưng hô tiếm vượt như trước thì người gọi và người nhận đều phải đánh 5 roi, phạt 10 quan tiền.
Định cách bảo tuyển quan Tổng binh. Vua nói: Chức quan Tổng binh nhận ký thác quan trọng ở một phương, không thể trao cho kẻ xấu. Các quan khoa, đài phải bảo đảm lựa chọn vệ quan các nha môn, người nào có đảm lược, có học thức, có uy tín, tài cán, liêm khiết, siêng năng để thuyên bổ chức đó. Ai dám riêng tư mà bảo cử bậy kẻ bỉ ổi, hèn kém, tham ô, lười nhác thì bị trị tội.
Tháng 5, ngày mồng 4, vua ngự điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Trần Sùng Dĩnh. Các quan mặc triều phục chúc mừng. Lễ bộ bưng bảng vàng ra treo ở ngoài cửa Đông Hoa.
[56a] Tháng 6, ngày 26, sắc cho Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc Kinh Dương hầu Lê Quyền, cùng với nha môn Ngũ phủ, Lục bộ, Ngự sử đài, Lục tự và Nam quân đô đốc phủ Bình Thuần bá Lê Chí soạn dùng Minh lệnh gồm 145 điều.
[Lệnh cho] Các quan viên ở nha môn trong ngoài từ nay trở đi, nếu có mừng nhau, tặng nhau thì phong bì nên dùng loại giấy trung chỉ, không được trang hoàng.
Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 9, ra sắc chỉ rằng: Quan viên nào không phải là kẻ phạm tội bị giáng chức nếu đã đủ lệ khảo khóa thì cho được thăng chức như lệ quan viên các xứ. Nếu khảo khóa là xứng chức thì chỉ được thăng lên Thừa ty bản xứ, không được chuyển đổi về chỗ gần. Nếu có kẻ tham nhũng thì theo lệnh trước mà bãi chức sung quân Quảng Nam.
[56b] Tháng 9, ngày 15, dựng bia ghi tên các tiến sĩ đỗ khoa Đinh Mùi năm Hồng Đức thứ 18.
Ngày 18, cấm các quan trong ngoài không có việc gì không được đến nhà túc trực của các vệ Cẩm y, Hiệu lực, Thần vũ, Điện tiền.
Ngày 22, Minh Hiến Tông băng.
Tháng 9, ngày mồng 6, Hoàng thái tử nhà Minh là Hựu Sanh lên ngôi, đổi niên hiệu năm sau là Hoằng Trị năm thứ 1, đó là niên hiệu của Hiếu Tông.
Mùa đông, tháng 11, ra lệnh đại xá gồm 54 điều.
Định thứ tự cho triều thần nghị sự. Xuống chiếu rằng:
Khi nghị sự ở triều đường, nếu có trung quan vâng thánh chỉ truyền hỏi thì trước hết Lục khoa và Ngự sử đài là một thứ; Lục bộ, Lục tự, là một [57a] thứ; công, hầu, bá và Ngũ phủ đô đốc là một thứ, tuỳ từng hạng mà bàn luận, cốt phải tường tận, rõ ràng, không được mập mờ, hùa theo hay im lặng, lẩn tránh. Ai vi phạm thì Củ nghi giám sát ngự sử hặc tội tâu lên để đưa xét hỏi. Nếu là Củ nghi hôm đó thì không dự bàn luận.
Mậu Thân, [Hồng Đức] năm thứ 19 [1488], (Minh Hiếu Tông Hoằng Trị năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ai theo hầu về Lam Kinh được thưởng 1 tư.
Tháng giêng nhuận, ngày mồng 3, Đào Cử được thăng Hàn lâm viện thị độc Đông các học sĩ Tu Thận thiếu doãn. Vì Đào Cử giữ chức ở nha môn có nhiều việc, đủ 3 kỳ khảo khóa đều xứng chức, không phạm lỗi, cho nên được thăng.
Mùa hạ, tháng 5, ngày mồng 9, xuống chiếu rằng:
Từ nay, quan viên các nha môn nếu bị ốm đau tâu xin điều trị thì ghi là "trị bệnh" hay "điều trị", không được dùng tạm chữ "dưỡng" như trước. [57b] Đó là theo lời tâu của Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung.
Ngày Mậu Dần 15, giờ Nhâm Tý, hoàng tôn thứ hai là Tuấn sinh (sau là Uy Mục Đế).
Ngày 19, định lễ tiết bồi bái. Xuống chiếu cho các quan văn võ rằng: Nếu có việc làm lễ bồi bái, thì khi làm lễ xong, lại đứng hầu ban theo đúng nghi thức, được lệnh thì rảo bước ra không được chậm chạp, nhởn nhơ, cũng không được chạy vội, đi tràn.
Đại hạn.
Mùa thu, tháng 7, ngày 25, xuống chiếu cho các quan nha môn trong ngoài khám xét kiện tụng, hễ gọi người làm chứng đến xét hỏi, thì quan xét hỏi phải hỏi cho rõ ràng, tường tận. Vụ kiện nhỏ hạn trong 5 ngày, vụ lớn hạn trong 10 ngày, lấy giấy ghi lại lời cung khai cho xong hết, không được bỏ trễ quá thời hạn.
[58a] Tháng 8, ngày Nhâm Thìn mồng 1, hoàng tôn thứ ba là Thuần sinh(sau là Túc Tông).
Ngày 16, định kiểu y phục để tiếp sứ nhà Minh.
Các công, hầu, bá, phò mã và các quan văn võ phải may sẵn áo tơ sa Trữ La màu xanh, có cổ áo bằng lụa, dài cách đất 1 tấc, ống tay áo rộng 1 thước 2 tấc, còn quan hộ vệ thì dùng chế y, dài cách đất 9 tấc, tay hẹp như kiểu cũ. Tất cả đều phải dùng bổ tử đi hia, màu sắc phải tươi sáng, không được dùng thứ cũ, xấu để đợi tiếp sứ nhà Minh.
Sa thải lại viên các nha môn, người nào già kém không siêng năng thì cho nghỉ việc về làm dân, chịu sai dịch, thuế má.
Tháng 9, xuống chiếu rằng: Từ nay, các quan phủ, huyện, châu xét đặt Xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú con bác và bác cháu, cậu cháu với nhau thì cho 1 người làm Xả Trưởng, không được cho cả hai cùng làm [58b] để trừ mối tệ bè phái hùa nhau.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 3, sai Lễ bộ dụ cho Tham chính Quảng Nam Phạm Bá Tông rằng:

Quân dân thuộc Thừa chính ty Quảng Nam sinh con trai từ 15 tuổi trở lên mà tuấn tú, ham học thì đến ngày thi hương, hai ty Thừa, Hiến bản xứ cùng nhau lựa chọn, làm danh sách, cho sung làm sinh đồ của bản phủ, để được dạy bảo cho biết lễ nghĩa.
Ngày mồng 9, định kiểu y phục mới dùng trong nghi lễ tiến triều. Kiểu áo may dài cách đất 2 tấc, tay rộng 1 thước 3 tấc.
Ngày 20, xuống chiếu rằng: Từ nay, các sĩ nhân đã từng đi học, biết làm văn, có hạnh kiểm, đã thi đỗ và được miễn tuyển thi miễn cho nửa phần thuế và sai dịch để mở rộng ý nghĩa nuôi dưỡng nhân tài của triều đình.
[59a] Tháng 11, ngày 20, nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện thị giảng Lưu Tiễn, phó sứ là Hình khoa cấp sự trung Lã Hiến sang báo việc lên ngôi và ban cho vóc lụa.
Ngày 23, làm lễ mở đọc chiếu thư của nhà Minh ở điện Kính Thiên.
Đặt chức Tuần kiểm sứ ở các ải Lôi Quan, Loa Quan, Lãng Quan.
Tháng 12, ngày 11, sai sứ sang nhà Minh: Đàm Văn Lễ, Vương Khắc Thuật, Phạm Miễn Lân mừng lên ngôi Hoàng Bá Dương tâu việc địa phương Chiêm Thành và địa phương Tuy Phụ. Tống Phúc Lâm tiến hương liệu. Hoàng Đức Lương tạ ơn ban cho vóc lụa.
Ngày 13, sai Lễ bộ yết bản về nghi thức tôn kính vua: Các bậc công, hầu, bá, phò mã và các quan văn võ, từ nay trở đi, khi bưng chế cáo, sắc mệnh cùng ngự bảo và sắc chỉ vốn là những trọng [59b] khí, đều phải dùng hai tay bưng ngang, đưa lên cao bằng đầu, khi bưng bản tâu, thiếp tâu thì đều bưng cao ngang mặt.
Ban xuống lệ khảo khóa:
1- Phép khảo khoá: 3 năm sơ khảo, 6 năm tái khảo, 9 năm thông khảo rồi mới tiến hành thăng gaíng.
2- Hoàng thân nội, ngoại và con cháu các khai quốc công thần cùng là những võ quan trước đã bổ quan, sau có quân công, nhậm chức đủ hạn khảo khoá, xứng chức, theo lệ, được thăng lên nhất, nhị phẩm thì Lại bộ làm danh sách, xin lệnh chỉ, nếu được lệnh thì cho thăng như lệ. Nếu là con dân, từ chân trắng được bổ nhiệm quan chức, hoặc từ chân trắng do có chiến công được làm quan, nhậm chức đủ hạn, khảo khoá xứng chức đáng được thăng cấp thì chỉ cho thăng đến tam phẩm, không được nhất, nhị phẩm.
3- Trong 9 năm, nếu đã được thăng cấp do lập công khác, tới kỳ thông khảo, lại xứng chức, đáng [60a] được thăng đến nhị phẩm trở lại thì Lại bộ làm bản tâu lên để nhận lệnh, còn từ tam phẩm trở xuống thì cứ theo lệ mà thi hành.
4- Quan các nha môn tại chức đủ ba kỳ khảo khóa phải khai trình đầy đủ những việc đã làm trong nhiệm kỳ, có phạm lỗi gì hay không. Trưởng quan phụ trách phải công bằng xét duyệt, tính bắt đầu từ ngày được bổ nhiệm. Thí quan đủ 3 năm được thực thụ thì được coi là qua kỳ sơ khảo. Trong khi tại chức mà có phạm lỗi thì không được khảo khoá, cùng là người không phải do quân công mà được thăng đặc cách, thì từ khi phạm lỗi và đặc cách thăng cấp đó, lại tính là kỳ sơ khảo. Kê rõ từng hạng xứng chức, bình thường, không xứng chức để định việc khảo khóa.
Lại khai rõ công việc đã làm, có phạm lỗi gì không, để trình lên quan phụ trách nha môn xét duyệt, rồi gửi cho Lại bộ giữ để xét. Đợi đủ 9 năm qua kỳ thông khảo, quan phụ trách trình lên tất cả những công việc trước sau mà viên ấy đã làm qua mỗi kỳ khảo khoá trong thời gian nhậm chức và những lời nhận xét khi khảo khóa [60b], tùy theo quan chức lớn hay nhỏ, có thể gửi để tâu lên, hoặc gửi để giữ lại. Lại bộ tham chiếu các lần khảo trước sau, tại nơi phức tạp hay đơn giản, theo đúng lệ, làm bản tâu lên để thi hành. Nha môn nào có kẻ gian trá, bịa khai công lao, tài cán, giấu giếm tội lỗi, mà quan phụ trách không biết tra xét, dối trá bao che, dung túng cho nhau, thì Lại bộ phải điều tra tường tận để gửi lên xét hỏi. Nếu có người tài năng kỳ lạ, được lệnh đặt cách thăng bổ thì không câu nệ vào lệ này.
Định lệnh về bàn giao khi quan lại được thăng hay đổi đi nơi khác.
Kỷ Dậu, [Hồng Đức] năm thứ 20 [1489], (Minh Hoằng Trị năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, định lệ bảo cử ty quan của Hình bộ. Ra sắc chỉ rằng:
Việc hình ngục quan hệ không nhỏ, quan xét xử phải chọn cẩn thận. Từ nay, chức Lang trung, Viên ngoại ở Hình bộ có khuyết viên nào, thì Lại bộ làm bản tâu lên, trong kinh thì đường quan Lục bộ, Ngự sử đài và Lục tự khanh; bên ngoài thì các quan hai ty Thừa, Hiến [61a], cùng nhau bảo cử người mình quen biết và các quan phụ trách các nha môn đã trải qua hai lần khảo khoá trở lên, là người liêm khiết, từng trải, am hiểu hình danh thì Lục bộ làm 1 bản, khai ghi họ tên của người được bảo cử cho rõ ràng, làm bản tâu lên, nếu được chỉ chuẩn y thì giao cho Lại bộ thuyên bổ. Người nào dám vì tình riêng hay tiền bạc mà bảo cử không đúng, thì Lục khoa và Giám sát Ngự sử điều tra sự thực, tâu hặc lên sẽ theo đúng luật trị tội.
Định lệnh Giám sát ngự sử 13 đạo chia ty coi việc phụ trách các nha môn. Vua dụ Ngự sử đài và Giám sát ngự sử 13 đạo rằng:
"Các ngươi hãy cung kính trong công việc của mình" là lời Bàn Canh dạy bảo những người giữ chức vị. "Hãy thận trọng với chức vụ của mình" là câu Thành Vương dùng để hướng dẫn quan lại của ngài. Vì rằng người bầy tôi thờ vua, mỗi người đều có chức trách của mình. Xử án thì hỏi Đình uý, tiền thóc thì hỏi Nội sử, ai có trách nhiệm của [61b] người đó. Huống chi chức trách của ty Phong hiến là xét hặc, trước nay đã quy định là phải chia tách để trông coi thì giường mối mới hoàn chỉnh và thành nề nếp. Kể từ nay, các ngươi: những nha môn trong kinh mà cáo giác nhân viên nào tham tang, phạm pháp và hết thảy việc công lợi hại thì do phần ty đó xét hỏi thi hành; nếu là ba ty bên ngoài trị lý dân chúng, khi phát hiện quan lại tham ô, hoặc có đơn khống tố về kiện tụng oan ức, cùng tất cả việc riêng tư xảy ra trong phủ, huyện, châu thì do phân ty các đạo xét xử thi hành.
Ngày 13, đổi lại kỳ hội quân thượng ban, hạ ban và thứ tự của kỳ ban thành đại tập kỳ, thượng phiên, hạ phiên.
Mùa hạ, tháng 5, đại hạn.
Xuống chiếu đại xá, gồm 49 điều.
[62a] Cấm quan viên họp bọn say đắm tửu sắc.
Tháng 6, ngày 25, định cách thức chắp tay khi vào chầu. Xuống chiếu rằng:
Công, hầu, bá, phò mã cùng các quan văn võ, kể từ nay mỗi khi vào chầu, mặc áo, đội mũ thì chắp tay đặt dưới cổ áo tròn, nếu đứng hộ vệ mặc áo thì chắp tay đặt dưới ức.
Mùa thu, tháng 7, sai Chỉ huy hiệu uý hội đồng với ty Thừa tuyên khơi thông nước lụt.
Định lệnh phát quân nhu, 92 điều.
Tháng 9, ngày mồng 9, ngăn cấm bọn dân ngoan ngạnh thù oán cáo giác lẫn nhau, gây việc kiện tụng.
Mùa đông, tháng 10, ngày 19, sai bọn bồi thần Nguyễn Khắc Cung, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hán Đình sang tuế cống nhà Minh.
[62b] Lấy Lưu Hưng Hiếu làm Hàn lâm viện thị giảng tham chưởng Hàn lâm viện sự.
Canh Tuất, [Hồng Đức] năm thứ 21 [1490], (Minh Hoằng Trị năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, hội quân lớn, điểm mục xong cho về, thay phiên nhau ở lại canh giữ.
Định lệ thổ quan thiếu lễ triều hạ: viên nào ở gần thì một năm 2 lần về triều hạ, ở xa thì một năm 1 lần về triều hạ. Nếu không kịp dịp Chính đáng2002 thì cho đến ngày Thánh Tiết 2003 . Ai thiếu 1 lần thì bãi chức, hai lần thì bắt về trị tội.
Tháng 2, sai Hàn lâm viện, Khoa, Đài, Cẩm y vệ hiệu uý đi các phủ, huyện phát thóc công cho dân nghèo vay ăn, vì các phủ huyện Kinh Môn cày cấy không được, dân nhiều người chết đói.
Định lệnh quan đổi đi giao lại nhà công. Từ nay, quan các nha [63a] môn nào đổi thăng đi, về chịu tang, hay ốm chết... thì nhà cửa, đồ đạc giao cho quan lại sai người coi giữ, đợi khi quan mới đến dùng.
Định lệnh mặc y phục giảm bậc. Xuống chiếu rằng:
Công, hầu, bá, phò mã cùng các quan văn võ, từ nay trở đi, nếu triều đình có tế cầu đảo, lễ quốc kỵ 2004 , phải mặc y phục giảm bậc, không được tự tiện bỏ kiểu quy định, nếu có người nào nài xin hay từ chối thì sẽ bị xét hỏi.
Ra sắc chỉ rằng:
Các văn nho chỉ huy ở các vệ, ty, người nào túc trực phục vụ đủ hạn khảo khoá trở lên mà quả giữ phép công làm được việc, không phạm lỗi thì thưởng quan vệ đó xét thực làm bản trình lên, Lại bộ chiếu chỗ khuyết mà đổi bổ quan chức. Người nào chưa đủ hạn khảo khoá lại già kém, không làm nổi việc hộ vệ, thì lựa thải về. Người nào còn có thể dùng được thì đổi bổ. Kẻ nào giám chạy vại cầu cạnh thì trị tội theo luật để ngăn chặn thói cầu may của kẻ sĩ
[63b] Tháng 3, thi hội các cử nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Xao 54 người (Xao người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, thi đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân).
Mùa hạ, tháng 4, ngày 4, xác định bản đồ toàn quốc: 13 xứ thừa tuyên 2005 , 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguồn, 30 trường. Ở Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá, Yên Bang, Tuyên Quang, Hưng Hoá, đều đặt Đô ty và Thủ ngự.
Ngày 19, ban lệnh đại xá 45 điều, vì năm này gạo kém, 1 tiền chỉ đong được [64a] 2 thưng gạo.
Thi điện, Vua thân hành ra đề văn sách.
Sai Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán và Hình bộ thượng thư Lê Năng Nhượng làm đề điệu; Ngự sử đài phó đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm giám thí; Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và Lại bộ thượng thư Nguyễn Bá Ký làm độc quyển.
Vua xem bài thi, xếp thứ bậc cao thấp. Cho chọn Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Lê Tuấn Mậu 19 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Đình Quát 32 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 5, ngày 14, Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán bàn rằng: Ty thị vệ của vệ Cẩm y khi vào sổ thì ở dưới các ty Tráng sĩ, Canh phiên và Xá nhân.
[64b] Ngày 18, vua ngự điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Vũ Duệ. Các quan mặc triều phục chúc mừng. Lễ bộ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa.
Ngày 19, ban ngũ đại y phục.
Ngày 20, ban yến.
Định lệnh tách xã: xã nào đủ 500 hộ rồi mà số hộ dư ra lại được 100 hộ trở lên có thể thành một xã nhỏ nữa thì phải báo, rồi xếp loại tâu lên, để tách ra thành xã khác, cho thêm rộng bản đồ.
Mùa thu, tháng 7, định lệ các quan vào chầu.
Tháng 8, ngày 15, dựng bia đề tên các tiến sĩ khoa Canh Tuất năm Hồng Đức thứ 21.
Ngày 26, định lệ các quan đi đứng khi vào chầu.
[65a] Tháng 9, đặt thêm 13 cửa ải thuộc thừa tuyên Lạng Sơn, như các cửa Viêm Sơn, Phong Sơn, Lâu Sơn, Tam Sơn...
Mùa đông, tháng 10, đặt Thần vũ hữu vệ.
Khảo thí các quân sắc và nhân dân, hỏi về viết chữ và làm lính để bổ làm lại viên các nha môn. Phép thi: một kỳ ám tả, một kỳ thi toán.
Tháng 11, đắp rộng thêm Phụng thành, dựa theo quy mô thời Lý, Trần.
Vua cảnh giác về việc Nhân Tông bị hại, nên lấy lính đắp thành đó. Đồng thời phía ngoài trường đấu võ, mở rộng đến 8 dặm, sau 8 năm thì đắp xong. Bèn dựng điện Danh Bảo2006 , lập lại vườn Thượng Lâm, trong vườn có hươu và các thú khác.
Đặt hai vệ Cẩm y và Kim ngô.
Dũng sĩ vệ Cẩm y từ ty Lực sĩ đến ty Kỳ bài gồm 20 ty, có chức phó quân. Các ty đều không thành lập đội ngủ chỉ có từ ban một đến [65b] ban tám.
Võ sĩ vệ Kim ngô từ ty Lực sĩ đến ty Thần tý cùng trung, tiền, tả, hữu, hậu ty cộng là 100 ty. Lại đặt các ty Thần vũ, Điện tiền: đặt 5 phủ quân Trung, Đông , Tây, Nam, Bắc. Lại soạn quân chính2007 và quân giới2008 .
Tân Hợi, [Hồng Đức] năm thứ 22 [1491], (Minh Hoằng Trị năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, các quan theo hầu vua ngự về Tây Kinh được hưởng 1 tư.
Tuyển theo người khoẻ mạnh xung quân ngũ, thải người già.
Mùa hạ, tháng 5, định lệnh làm sổ hộ tịch khác cho những người trở về làng quá hạn. Những người đáng được được làm sổ khác mà quán tịch vẫn còn ở xã cũ thì tới khi viết sổ, quan phủ huyện, xã trưởng và quan lại, thủ lĩnh đối chiếu lại cho phù hợp.
Mùa thu, tháng 8, ngày 28,29, mưa to suốt cả ngày lẫn đêm không ngớt, [66a] đổ tường điện Kính Thiên, nước dâng lên 4 thước.
Ngày 29, sai các Chỉ huy, Hiệu uý, Bách hộ của vệ Cẩm y và Kim ngô tới các xứ thừa tuyên gần, khơi tháo nước úng làm hại lúa mạ. Vua dụ các quan tể thần, Ngũ phủ, lục bộ, Lục tự, Lục khoa và Ngự sử đài rằng:
"Bởi chính trị có thiếu sót, nên trời chỉ cho bằng tai biến. Đó là do lỗi lầm của trẫm mà chuốc lấy họa, chứ trăm họ có tội gì đâu? Có phải vì trẫm đức tin chưa đến dân, lòng thành chưa thấu tới trời mà đến nỗi như thế chăng? Trẫm không rõ các khanh ngày thường ở nhà có băn khoăn lo lắng tới việc nước, không chút lơ là để uốn sửa chổ thiếu sót của trẫm không, hay chỉ tiêu dao dưỡng tính, mưu kiếm lợi riêng, theo người đời mà tiến mà lui, để giữ bền [66b] quyền vị chăng? Các văn thần thì ít người trung nghĩa, nhiều kẻ gian ngoan, bán cương trực để cầu danh, cứ làm như là trung là tín, như lũ Trần Phong, Đào Tuấn thì làm thế nào mà đổi dạ được. Ngày xưa, Thái Tông Hoàng Đế ta, vua tôi một lòng, vua sáng tôi hiền mừng gặp gỡ, dân hoà khí vượng dẫn điềm lành, nào có thiếu nhân nghĩa đâu?. Khoảng đời Thái Hoà, Diên Ninh, việc chính trị chỉ quanh quẩn trong chốn màn the, người giúp đỡ thì nắm quyền y phhúc. Làm hại thế nước là bọn Khắc Phục, Mộng Tuân; chạm tường giết dân là lũ Đỗ Bí, Đỗ Trượng. Đến nỗi biến cố sinh ra trong tường nhà, tai họa xảy ra nơi gối nệm, con cháu của Bí, Trương cùng một mẻ lưới bị chết hết. Đường Thái Tông nói rằng: "Vua đã mất nước, bề tôi vẹn toàn một mình thế nào được!" thự là đúng lắm.
Từ nay về sau, kẻ nào còn quen thói nhơ bẩn như cũ, theo người ta mà tiến lui, mưu giữ bền quyền vị, thì trẫm sẽ vì các khanh mà giết nó đi. Kẻ nào theo lời dạy bảo, mà sửa bỏ lỗi trước đi, hết lòng trung tín, [67a] dốc sức tận tâm, thì trẫm cũng sẽ vì các khanh mà khen thưởng họ. Mong các khanh hãy cố gắng!"
Mùa đông, tháng 10, thóc lúa được mùa lớn.
Ngày 18, đặt Thần vũ hậu vệ.
Vua sai thợ làm cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng2009 để làm nơi treo các pháp lệnh trị dân. Làm xong, ban tê là " Quảng Văn đình"2010 . Đình này ở trong Long thành, phía trước Phụng Lâu, có ngòi Ngân Câu chảy quanh hai bên tả hữu.
Tháng 11, sai Đề hình giám sát ngự sử kiểm xét quan lại ở Hình bộ, người nào mắc tội lười biếng, gian tham, buông tuồng, phóng túng, thì làm bản tâu lên, theo luật mà trị tội.
Lấy Nguyễn Xung Xác làm Hàn lâm viện thị độc chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Lễ bộ [67b] tả thị lang.
Nhâm Tý, [ Hồng Đức] năm thứ 23 [1492], (Minh Hoằng Trị năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 3, nhắc lại các lệ gồm 130 điều.
Mùa hạ, tháng 4, sai các quan Hàn lâm, khoa, đài đi 12 thừa tuyên để thẩm tra việc hình ngục.
Lấy Dương Trực Nguyên lam Hiến sát sứ ty hiến sát sứ thừa tuyên Hải Dương.
Trực Nguyên tâu việc trái ý vua, sau bị giáng về làm Hàn lâm viện hiệu lý (theo gia phả). Trước đó, vua vốn thích văn thơ, ngự thuyền về đến Lam Sơn, làm thơ nhớ lại cơ nghiệp của Thánh Tổ, Trực Nguyên kính họa lại, có câu rằng:
Lam Sơn chỉ xích thiên nam vọng, Vạn cổ nguy sáng nghiệp công. (Lam Sơn nhìn đó, trong gang tấc, Vời vợi muôn xưa sáng nghiệp công). Vua phê rằng: Câu này có khí phách cao rộng.
[68a] Tháng 6, ra sắc chỉ cho con cháu công thần được nhận chức tản quan.

Hồi mở nước, người nào dự theo nghĩa quân, đã nhận các danh hiệu Chánh đốc, Đồng đốc, vì đánh giặc Ngô chết trận mà chưa được quan chức phẩm trật, cùng những ngưòi có họ tên trong sổ công thần Lũng Nhai như là Lê Trạo, lúc còn sống làm quan chưa đến nhấ,t nhị phẩm, nay vẫn còn con cháu thì cho làm giấy báo lên, Lại bộ xét thực, xếp loại tâu lên, sẽ trao cho chức nhất phẩm tản quan.
Mùa đông, tháng 10, thi hương các học trò trong nước. Sai quan Hàn lâm viện làm khảo quan tại 4 ty thừa tuyên Hải Dương, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc, mỗi ty 4 viên. Quan Hàn lâm làm khảo quan thi hương bắt đầu từ đây.
Tháng 11, ngày mồng 6, sai bọn bồi thần Lê Du, Bùi Sùng Đạo, Nguyễn Ngạn Khắc, Trịnh Quỳ [68b] sang cống nhà Minh và Khổng Ngu sang tâu việc điều tra dân chúng vượt qua địa phương mình để thông đồng buôn bán.
Tháng 12, ngày 24, nhà Minh sai chánh sứ là Hình bộ lang trung Thẩm Phụng, phó sứ là Hành nhân ty hành nhân Đổng Chấn sang báo việc lập Hoàng thái tử và ban vóc lụa.
Đói lớn, dân có người phải ăn củ nâu.
Đặt các kho vũ khí và thuốc súng, bên trong có mở ruộng, trồng hóp đá ở xung quanh.
Đặt kho tiền ở hồ Hải Trì, trong có Thượng Lâm tự.
Đặt Thái Nguyên đô ty, Thái Nguyên thuần thượng vệ và đặt Thủ ngự tổng tri ty, Bình địch vệ.
Lấy Lê Cảnh Huy làm Hộ bộ thượng thư.
[69a] Quý Sửu, [Hồng Đức] năm thứ 24 [1493], (Minh Hoằng Trị năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 8, sai sứ sang nhà Minh. Bồi thần Nguyễn Hoằng Thạc, Lê Trung mừng lập Hoàng thái tử, Hành nhân Phạm Mân tạ ơn ban vóc lụa.
Tháng 3, thi hội các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Vũ Vương 48 người.
Ngày 16, quy định về ban chầu của các quan văn võ:
1- Các quan văn võ cùng ban chầu mà phẩm trật như nhau thì quan cũ và cao tuổi đứng trên, quan mới và ít tuổi đứng dưới.
2- Các quan văn võ phải phụ trách kiêm nhiệm, người phẩm thấp mà chức cao, như tam phẩm làm Đô đốc thì đứng vào ban nhị phẩm; thất, bát phẩm làm Lang trung thì đứng vào ban lục phẩm. Nếu phẩm cao mà chức thấp, như nhị phẩm làm Vệ quan thì đứng vào ban tam phẩm; từ, ngũ phẩm làm Viên ngoại lang thì đứng vào ban lục phẩm; còn lại cứ theo thế mà suy ra.
3- Các quan Ngự sử đài, Đông các, Hàn lâm [69b] viện, Giám sát ngự sử, thì đứng ban chầu vẫn theo lệ trước. Phẩm thấp nhưng chức cao như thất, bát phẩm làm quan Lục khoa thì đứng ở trên ban lục phẩm.
4- Các quan văn võ triều yết, người nào phẩm tuy cao mà chức thấp, thì chiếu theo ban của chức mình đang nhận đứng ở trên ban đó, nếu thuộc quyền của Hộ bộ thì đứng về ban phẩm mình ở cuối hàng triều yết.
5- Các quan văn võ khi làm lễ ra mắt, từ biệt, tạ ơn... thì chiếu theo thứ bậc trong ban thường triều. Nếu là quan hộ vệ tam, tứ phẩm thì chiếu theo như phẩm của mình. Quan các ty sở, phẩm tuy cao nhưng đứng dưới ban của quan nha môn.
Mùa hạ, tháng 4, ngày 21, vua ra hiên điện, thân hành ra đề sách văn.
Sai Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán và Ngự sử đài đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm đề điệu; Ngự sử [70a] đài phó đô ngự sử Đàm Văn Lễ làm giám thí; Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu Thân Nhân Trung, Lại bộ thượng thư Nguyễn Bá Ký, Hàn lâm viện thị độc Đông các đại học sĩ Đỗ Nhuận, Đông các học sĩ Lê Quảng Chí, Hàn lâm viện thị thư chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Sùng Văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các hiệu thư
Ngô Luận làm độc quyển. Vua xem bài, xếp bậc trên dưới. Cho Vũ Dương, Ngô Thẩm, Lê Hùng 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Lại Đức Du 23 người đổ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Quảng Mậu 22 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 5, ngày mồng 8, vua thân ngự chính điện. Truyềb loa xướng danh tiến sĩ là bọn Vũ Dương. Quan Lễ bộ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa. Ngày 27, [70b] ban mũ, đai, y phục. Ngày 28, ban yến.
Mùa thu, tháng 8, ngày 19, dựng bia đề tên các tiến sĩ khoa Quý Sửu.
Mùa đông, tháng 11, ngày mồng 4, lấy Đỗ Nhuận làm Hàn lâm viện hiệu lý.
Giáp Dần, [Hồng Đức] năm thứ 25 [1494], (Minh Hoằng Trị năm thứ 7). Mùa hè, tháng 4, xuống chiếu rằng: Các Hoa văn học sinh, nếu có ai đã lâu năm, đã từng làm được việc hoặc theo đi đánh giặc có công, thì lại theo lệ như lại viên các nha môn có chân xuất thân, do Lại bộ thăng bổ.
Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 7, sai các quan Hàn lâm, khoa, đài đi ra 12 thừa tuyên xét xử án kiện.
Lấy Ngô Hoán làm Đông các hiệu thư.
Ất Mão, [Hồng Đức] năm thứ 26 [1495], (Minh Hoằng Trị năm thứ 8). Mùa thu, tháng 8, ngày 18. Xuống chiếu rằng: Quan viên nào [71a] bị ốm tới 3 tháng thì không được dự khảo khóa.



Nguồn: HayQua.Wap.Sh
SEO : Bạn đến từ :
sinhvien.wen.ru