An Nam Chí Lược
Tác giả: Lê tắc
Lời Giới Thiệu
Sử Liệu Việt Nam do Lê Tắc soạn năm 1335 - Uỷ Ban Phiên Dịch Sử Liệu Viện Đại Học Huế dịch năm 1961
Song song với công việc biên mục Châu bản triều Nguyễn, Ủy ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt-Nam đã lập một kế hoạch riêng để hiệu đính và phiên dịch các bộ sử Việt Nam. Theo kế hoạch dự định ấy, các phiên dịch viên trong Ủy ban đã tham khảo các truyền bản tàng trử tại các thư viện Nhật Bản, Trung Hoa và Anh Quốc, làm xong một hiệu bản của bộ An Nam Chí Lược và hoàn thành một bản phiên dịch Việt văn.
Nói về cuốn An Nam Chí Lược, ai ai cũng biết rõ soạn giả Lê Tắc là một tên phản bội với Tổ quốc. Trong lúc nước nhà đang gặp ngoại xâm, xã tắc nguy cấp, nhân dân đau khổ, Lê Tắc cùng bọn Trần Kiện và Trần Ích Tắc, không những không chịu gắn sức phấn đấu để cứu nước cứu dân, trái lại nhẩn tâm và làm tôi địch. Hơn nữa, trong bộ An Nam Chí Lược, Lê Tắc quên mình là người Việt, dựa vào lập trường và quan điểm người Nguyên để soạn tập. Chẳng hạn, như những lời nịnh nọt a dua của soạn giả, những đoạn văn kiêu ngạo tự tôn tự đại trình bày trong các chiếu chỉ nhà Nguyên và trong các bài tựa các danh nhân hồi ấy, đều khiến cho chúng ta vô cùng uất ức và đau đớn.
Sở dĩ Ủy ban lấy bộ An Nam Chí Lược làm công việc phiên dịch đầu tiên, là vì bộ ấy có lẽ là bộ sử xưa nhất do một cá nhân người Việt soạn ra, và gồm có nhiều sử liệu đáng quý có liên quan đến cổ sử và trung sử Việt Nam, chứ không phải Ủy ban có chút định nào dung thứ những hành động và quan niệm sai lầm của soạn giả đối với tổ quốc. Nói khác, chúng tôi coi cuốn sách này là một sử liệu, là một đối tượng cho cuộc nghiên cứu sử học thuần túy, bởi vậy, thành thực muốn cung cấp một bộ hiệu bản và bản dịch đáng tin cậy cho học giới mà thôi.
Trong hai nghìn năm quốc sử, chúng ta không thể không công nhận rằng còn nhiều chỗ thiếu sót, mơ hồ, đang chờ đợi sự cố gắng của sử gia Việt Nam, để bổ túc hoặc xác định lại. Vậy, điều cần thiết cho nền sử học Việt Nam ngày nay là gây phong trào nghiên cứu theo phương pháp khoa học, nhất là về phương diện sưu tầm và khảo đính sử liệu, chúng ta nên tìm cách nâng đỡ và xúc tiến. Căn cứ vào quan điểm ấy, tôi thành thực tin rằng bộ hiệu bản và bản dịch này là một thực hiện mới của nền sử học tại Việt Nam, và sẽ đem lại rất nhiều bổ ích cho công việc tìm tòi sự thực trong quốc sử.
Huế, ngày 22 tháng 4 năm 1960
Viện Trưởng Viện Đại Học Huế