Hoàng Tử Bé
Tác giả: ANTOINE DE SAINT EXUPÉRY
Đôi điều về tác giả và tác phẩm
Văn sĩ và phi công người Pháp, một anh hùng trong đời thực, người nhìn sự phiêu lưu mạo hiểm dưới góc độ của một thi sĩ - hoặc đôi khi với con mắt trẻ thơ. Hoàng tử bé là tác phẩm nổi tiếng nhất của Saint-Exupéry, ra đời vào năm 1943 và đã trở thành một trong số các tác phẩm văn học cổ điển dành cho trẻ em trong thế kỷ hai mươi. Ông tham gia Chiến tranh Thế giới lần II với cương vị phi công chiến đấu. Máy bay của ông bị bắn rơi trên vùng trời nước Pháp vào năm 1944.
"Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ. " (trích Hoàng tử bé, 1931)
Antoine de Saint-Exupéry sinh ở Lyons ngày 29 tháng 6 năm 1900 trong một gia đình quí tộc địa phương lâu đời. Cha ông là một chuyên viên công ty bảo hiểm, mất năm 1904 vì chứng đột quị. Mẹ ông, bà Marie de (Fonscolombe) Exupéry (1875- 1972), đưa các con đến Le Mans vào năm 1909, tại lâu đài Saint-Maurice-de-Rémens của người dì. Tại đây, ông đã trải qua những năm tháng tuổi thơ giữa những người thân của mình. Ông theo học các trường dòng Jesuit ở Montgré và Le Mans, và cả trường Công giáo ở Thụy Sĩ (1915-1917). Sau khi thi rớt trường dự bị đại học, ông đăng ký học môn kiến trúc ở trường cao đẳng Beaux-Arts.
Bước ngoặt của cuộc đời ông xảy ra khi ông nhập ngũ vào năm 1921, và được gởi đến Strasbourgh để dự khóa huấn luyện phi công. Vào ngày 9 tháng 7 năm 1921, ông bay chuyến đầu tiên một mình với kiểu máy bay Sopwith F-CTEE. Ông lấy bằng phi công vào năm 1922, và sau đó định cư ở Paris nơi ông khởi sự viết văn. Tiếp theo đó là những năm kém may mắn. Cuộc đính hôn của ông với nữ văn sĩ Louise de Vilmorin bị hủy bỏ, và ông cũng không thành công trong việc viết lách và kinh doanhư Ông phải làm hàng loạt nghề từ quản thủ thư viện đến buôn bán động cơ. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Người lái máy bay (L Aviateur) xuất bản vào năm 1926 trên tạp chí văn học Le Navire d argent. Sau đó, ông tìm thấy một công việc thực sự, là chuyên chở thư tín cho công ty thương mại hàng không Aéropostale ở Bắc Phi trong 3 năm, với nhiều lần chết hụt. Vào năm 1928, ông làm giám đốc vùng bay Cap Juby ở Rio de Oro, sâu trong sa mạc Sahara. Ông yêu thích sự cô độc của sa mạc và mô tả vẻ đẹp hoang dã của nó trong các tác phẩm Hoàng tử bé và Thành trì (1948). Trong vòng 3 năm, Saint-Exupéry viết tiểu thuyết Tàu thư phương nam (1929), ngợi ca lòng dũng cảm của những phi công đầu tiên, những con người đã bất chấp hiểm nguy trong cuộc đua tranh tốc độ, để chiến thắng các đồng nghiệp đưa thư của họ theo đường tàu hỏa và đường thủy. Một mạch truyện khác trong tác phẩm này mô tả cuộc tình bất thành của tác giả với nữ văn sĩ Louise de Vilmorin. Tàu thư phương nam được đạo diễn Robert Bresseo dựng thành phim vào năm 1937.
Vào năm 1929, Saint-Exupéry đến Nam Mỹ làm công việc chuyên chở thư tín qua dãy Andes. Kinh nghiệm này làm nên cốt truyện của tiểu thuyết thứ hai, Bay đêm, đã trở thành một bestseller trên bình diện quốc tế, đoạt giải Femina, và được được đưa lên màn ảnh vào năm 1933, với các ngôi sao điện ảnh Clark Gable và Lionel Barrymore. Trong câu chuyện, Rivière, người phụ trách sân bay kiên nghị, đã từ bỏ tất cả các toan tính về hưu và xem công việc chuyên chở thư tín như là mục đích đời mình. Chúng ta không cần đến sự vĩnh cửu , ông nghĩ. Điều mà chúng ta cần là không để những hành động và sự việc đột nhiên mất đi ý nghĩa thực sự của chúng. Nhờ đó, thế giới xung quanh chúng ta sẽ mở toang ra từ mọi phía. (trích Bay đêm)
Saint-Exupéry lập gia đình năm 1931 với Consuelo Gomez Castillo, và khởi sự làm phi công thử nghiệm cho Air France và các công ty hàng không khác. Ông viết cho tờ Paris-Soir mô tả sự cố khẩn cấp ở Moscow năm 1936, và sáng tác hàng loạt bài viết về Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Saint-Exupéry sống cuộc đời phiêu bạt, rày đây mai đó : ông mua một máy bay hiệu Caudron Simoun (F-ANRY) với số tiền còn lại của mình, và trải qua một tai nạn máy bay ở Libya, sau đó mua một máy bay Caudron Simoun khác vào năm 1937 và lại gặp tai nạn chấn thương nghiêm trọng ở Guatemala trong một vụ rớt máy bay.
Với sự động viên của người bạn André Gide, Saint-Exupéry viết một quyển sách về nghề lái máy bay. Cõi người ta, ra đời năm 1939, đoạt giải Grand Prix du Roman của Viện Hàn Lâm Pháp 1939 và giải National Book Award ở Mỹ. Đạo diễn Jean Renoir (1894-1979) muốn dựng thành phim và thảo luận với tác giả, chủ yếu về các chủ đề văn học mà ông ghi nhận. Vào thời điểm đó Renoir làm việc ở Hollywood nơi người ta dựng phim trong phim trường. Renoir đưa ra ý tưởng dựng phim ngay tại chính các địa điểm được mô tả trong truyện. Điều này sẽ có lợi thế để thành công ở Mỹ, nhưng tiếc thay, không ai muốn sản xuất bộ phim.
Sau khi nước Pháp bị thất thủ trong Chiến tranh Thế giới lần II, Saint-Exupéry gia nhập quân đội, thực hiện hàng loạt phi vụ, mặc dù ông bị xem như là không đủ khả năng lái máy bay chiến đấu do mắc phải hàng loạt chấn thương trước đây. Tuy vậy, Saint-Exupéry vẫn được phong tặng huân chương Croix de Guerre [Croix de Guerre : huân chương được nhà nước Pháp trao tặng cho các cá nhân hoặc đơn vị có thành tích trong Chiến tranh Thế giới lần II.]. Ông rời Mỹ năm 1942 và bị phê phán bởi những người đồng hương vì đã không ủng hộ lực lượng Nước Pháp Tự Do của de Gaulle ở London. Phi công chiến tranh (1942) mô tả chuyến bay tuyệt vọng của ông trên giới tuyến quân địch, khi nước Pháp đã thực sự bị đánh bại. Năm 1943 ông tái gia nhập không lực Pháp đóng ở Bắc Phi (trong phi đoàn người ta gọi ông một cách thân mật là Saint-Ex hay "thiếu tá Ex") và xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Hoàng tử bé (1943), một truyện ngụ ngôn trẻ em dành cho người lớn. Cuốn sách đã được dịch sang gần năm mươi ngôn ngữ.
Hoàng tử bé (1943, Le Petit Prince) - minh họa bởi chính tác giả. Câu chuyện về một phi công phải hạ cánh khẩn cấp trong sa mạc. Anh gặp một cậu bé, người hóa ra là một hoàng tử từ hành tinh khác đến. Hoàng tử kể về những cuộc phiêu lưu của em trên Trái Đất và về bông hồng quí giá trên hành tinh của em. Em thất vọng khi phát hiện ra hoa hồng là loài bình thường như bao loài khác trên Trái Đất. Một con cáo sa mạc khuyên em nên yêu thương chính bông hồng của em và hãy tìm kiếm trong đó ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhận ra điều ấy, hoàng tử quay trở về hành tinh của em.
Ngày 31 tháng 7 năm1944, Saint-Exupéry cất cánh từ đường băng hẹp ở Sardinia trong một phi vụ trên vùng trời miền Nam nước Pháp. Và vào cái ngày định mệnh đó, "thiếu tá Ex" đã ra đi mãi mãi, không bao giờ trở về nữa... Trường hợp của ông được xem như là mất tích. Sau này, người ta đoán rằng, máy bay của ông bị bắn rơi trên vùng biển Địa Trung Hải hay có lẽ ông đã gặp phải tai nạn. Saint-Exupéry để lại bản thảo dang dở của tác phẩm Thành trì và một vài ghi chép mà chúng được xuất bản sau ngày ông mất.
"Tự do và áp bức là hai mặt của cùng một điều tất yếu, nơi mà tồn tại điều này thì không thể tồn tại điều kia" (trích Thành trì, 1948). Quyển sách phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Saint-Exupéry đối với chính trị, và những tư tưởng then chốt sau cùng của ông.
Sự nghiệp văn chương :
* L AVIATEUR, 1926 - Người lái máy bay
* COURRIER-SUD, 1929 - Tàu thư phương nam - Southern Mail - dựng phim 1937, đạo diễn Robert Bresseo
* VOLE DE NUIT, 1931 - Bay đêm - Night Flight - dựng phim 1933, đạo diễn Clarence Brown, với các ngôi sao điện ảnh John Barrymore, Clark Gable, Helen Hayes, Myrna Loy, Lionel Barrymore
* TERRE DES HOMMES, 1939 - Cõi người ta - Wind, Sand, and Stars
* PILOTE DE GUERRE, 1942 - Phi công chiến tranh - Flight to Arras
* LETTRE À UN OTAGE, 1943 - Thư gửi một con tin - Letter to a Hostage
* LE PETIT PRINCE, 1943 (illust. by Saint-Exupéry) - Hoàng tử bé - The Little Prince
* LA CITADELLE, 1948 - Thành trì - The Wisdom of the Sands
* .UVRES COMPLÈTES, 1950 (7 vols.)
* .UVRES, 1953
* LETTRES DE JEUNESSE, 1923-31, 1953
* CARNETS, 1953
* LETTRES À SA MÈRE, 1955
* UN SENS À LA VIE, 1956 - Cảm nhận cuộc sống - A Sense of Life
* LETTERS DE SAINT EXUPÉRY, 1960
* LETTRES AUX AMÉRICAINS, 1960
* ECRITS DE GUERRE, 1939-1944, 1982 - Những ghi chép trong thời chiến - Wartime Writings
Gửi Léon Werth
The Little Prince on Asteroid B-612
Anh xin lỗi các em bé vì đã đề tặng cuốn sách này cho một ông người lớn. Anh có một lý do bào chữa nghiêm chỉnh : ông người lớn này là người bạn tốt nhất mà anh có trên đời. Anh có một lý do khác nữa : ông người lớn này có thể hiểu mọi chuyện, ngay cả những cuốn sách viết cho các em bé. Anh có một lý do thứ ba : ông người lớn này hiện đang sống đói và rét ở nước Pháp. Ông ấy quả thật đang cần được an ủi. Nếu mà tất cả những lý do bào chữa ấy vẫn không đủ, thì anh rất muốn tặng cuốn sách này cho cậu bé hồi xưa, mà đã là ông người lớn bây giờ. Tất cả mọi người lớn lúc đầu đều là những em bé (nhưng ít người trong số họ còn nhớ điều ấy). Vậy anh xin chữa lại lời đề tặng :
Gửi Léon Werth
Khi ông ấy còn là một cậu bé
Chương I-IX
I
Hồi lên sáu, có lần tôi đã nhìn thấy một bức tranh tuyệt đẹp trong một cuốn sách nói về Rừng hoang nhan đề "Những chuyện có thật". Nó vẽ một con trăn đang nuốt một con thú. Đây là bản sao của bức tranh đó.
Người ta nói trong sách: "Con trăn nuốt chửng cả con mồi mà không nhai. Sau đó nó không thể nhúc nhích được nữa và nó nằm ngủ sáu tháng liền trong khi chờ tiêu hoá."
Từ đó tôi hay nghĩ đến các cuộc phiêu lưu trong rừng rậm, và đến lượt tôi, với một cây bút chì màu, tôi đã vẽ được bức phác thảo đầu tiên. Bức phác thảo đầu tiền của tôi. Nó như thế này:
Tôi đem khoe kiệt tác của mình với những người lớn và hỏi họ rằng nó có làm họ kinh hãi không. Họ trả lời: "Sao lại phải sợ một cái mũ chứ?"
Bức vẽ của tôi không vẽ một cái mũ. Nó vẽ một con trăn đang nằm chờ tiêu hoá một con voi. Thế là tôi phải vẽ phía trong của con trăn, để cho người lớn có thể hiểu. Người lớn lúc nào cũng cần phải có giải thích. Bức phác thảo thứ hai của tôi nó như thế này:
Những người lớn bèn khuyên tôi nên gác sang một bên các bức vẽ trăn kín và trăn mở kia và nên chú tâm học địa lý, sử ký, tính toán và văn phạm. Tôi đã bỏ dở như vậy đó, vào năm lên sáu, một sự nghiệp hội hoạ tuyệt vời. Tôi bị thất vọng vì sự thất bại của bản thảo số một và số hai. Những người lớn chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ.
Vậy là tôi phải chọn nghề khác, và tôi học lái máy bay. Tôi đã bay khắp thế giới mỗi nơi một tí. Và môn địa lý, đúng như vậy, đã giúp tôi rất nhiều. Tôi biết làm thế nào để chỉ nhìn qua một cái là phân biệt được ngay Trung Quốc với Arizona. Cái đó thật là ích lợi nếu như người ta bay lạc đường trong đêm tối.
Tôi cũng đã gặp trong đời tôi cả đống những con người nghiêm chỉnh. Tôi đã sống nhiều với những người lớn. Tôi đã nhìn thấy họ rất là gần. Nhưng cái đó chẳng làm thay đổi ý kiến của tôi bao nhiêu.
Mỗi lúc gặp một người lớn có vẻ sáng sủa một tí, tôi lại thử ông ta bằng bức phác thảo số một mà tôi luôn mang theo. Nhưng luôn luôn ông ta trả lời: "Đấy là một cái mũ". Thế là tôi chẳng thèm nói với ông ta về trăn rắn, rừng hoang hay các vì sao nữa. Tôi tự hạ mình xuống ngang tầm ông ta. Tôi nói về chơi bài, chơi gôn, chính trị và cravate. Và con người lớn kia cảm thấy hài lòng vô cùng khi được quen một con người biết điều như vậy.
II
Tôi đã sống cô đơn như vậy đó, chẳng có ai để chuyện trò thực sự, cho đến khi máy bay của tôi bị hỏng giữa sa mạc Sahara, cách đây sáu năm. Có cái gì đó trong động cơ của tôi bị gãy. Và tôi chỉ đi một mình không có hành khách cũng chẳng có thợ máy, tôi phải một mình bắt đầu cuộc sửa chữa khó khăn. Đấy là vấn đề sống chết với tôi. Tôi chỉ có đủ nước để uống trong nhiều nhất là tám ngày.
Đêm đầu tiên vậy là tôi phải ngủ trên cát ở cách xa nơi người ở hàng ngàn dặm. Lúc đó tôi còn cô độc hơn cả một kẻ đắm tàu trên chiếc bè lên đênh giữa biển. Bạn chắc sẽ tưởng tượng ra nỗi kinh ngạc của tôi, vào lúc mờ sáng, khi một giọng nói nhỏ nhẹ ngộ nghĩnh đánh thức tôi dậy. Cái giọng ấy nói:
– Nếu ông vui lòng ... xin vẽ hộ tôi một con cừu!
– Cái gì?
– Xin vẽ hộ tôi một con cừu ...
Tôi nhảy dựng lên như là bị sét đánh. Tôi dụi mắt thật kỹ. Tôi đã nhìn thật kỹ. Và tôi thấy một cậu bé thật khác thường đang nhìn tôi với vẻ nghiêm trọng. Đây là bức chân dung đẹp nhất mà về sau tôi vẽ được về cậu bé ấy. Nhưng bức vẽ của tôi chắc là kém đẹp hơn người mẫu nhiều. Không phải lỗi tại tôi. Tôi đã bị người lớn làm cho nản lòng trong sự nghiệp hội hoạ từ hồi sáu tuổi, và tôi có bao giờ học vẽ cái gì ngoài những con trăn khép kín và những con trăn mở bụng đâu.
Vậy là tôi nhìn cái sự hiển hiện đó với hai con mắt tròn xoe vì kinh ngạc. Xin nhớ là lúc ấy tôi đang ở cách mọi chỗ có người hàng ngàn dặm. Thế mà cậu bé của tôi trông chẳng giống như bị lạc đường, chẳng hề mệt lả, chẳng hề đói, chẳng hề khát nước hay sợ hãi gì cả. Cậu ta chẳng có vẻ gì của một cậu bé lạc giữa sa mạc, cách nơi có người cả ngàn dặm. Tới khi mở được miệng, tôi hỏi em:
– Nhưng ... em làm cái gì ở đây?
Thế là em lặp lại câu nói lúc nãy, thật nhẹ nhàng, như là một điều rất quan trọng:
– Nếu ông vui lòng ... xin vẽ hộ tôi một con cừu ...
Khi mà sự bí ẩn quá lớn, người ta không dám không vâng lời. Dù điều này thật là vô lý khi tôi đang ở cách xa nơi người ở cả ngàn dặm và đang bị nguy đến tính mạng, tôi rút trong túi ra một cây bút và một mảnh giấy. Nhưng tôi sực nhớ rằng mình đã chỉ học địa lý, sử ký, tính toán và văn phạm, và tôi nói với cậu bé (có vẻ hi khó chịu) rằng tôi không biết vẽ. Em trả lời tôi:
– Không sao đâu. Xin vẽ hộ tôi một con cừu.
Bởi vì tôi chưa bao giờ vẽ một con cừu cả nên tôi vẽ lại cho em một trong hai bức tranh mà tôi có thể vẽ. Đó là hình con trăn kín.
Và tôi sững sờ khi nghe cậu bé trả lời:
– Không! Không! Tôi không muốn một con voi trong bụng một con trăn đâu. Con trăn nguy hiểm lắm, còn con voi thì quá kềnh càng. Chỗ tôi bé lắm. Tôi cần một con cừu. Hãy vẽ cho tôi một con cừu!
Thế là tôi vẽ.
Em nhìn chăm chú, rồi nói:
– Không! Con này ốm quá. Hãy vẽ con khác đi.
Tôi vẽ.
Cậu bé của tôi cười nhẹ, giọng khoan dung:
– Ông thấy đấy ... đây không phi con cừu, đây là dê. Nó có sừng ...
Tôi lại vẽ lại lần nữa. Nhưng bức này cũng bị từ chối như các bức trước.
– Con này già quá. Tôi muốn một con cừu sống thật lâu.
Bấy giờ tôi hết kiên nhẫn, bởi sốt ruột muốn bắt đầu tháo máy, tôi vẽ nguệch ngoạc bức vẽ này đây.
Và tôi nói bừa:
– Đây là cái thùng. Con cừu chú muốn nó ở trong ấy đấy.
Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy mặt vị quan toà nhỏ của tôi sáng rõ lên:
– Đúng là cái mà tôi muốn đấy! Ông nghĩ có cần nhiều cỏ cho con cừu này không ạ?
– Sao vậy?
– Vì chỗ tôi bé lắm ...
– Chắc là đủ. Tôi vẽ cho em một con cừu bé xíu ấy mà.
Em cúi đầu xuống bức vẽ:
– Không nhỏ lắm đâu ... Kìa! Nó đã ngủ rồi ...
Và như thế đấy, tôi đã làm quen với ông hoàng bé nhỏ.
III
Phải rất lâu tôi mới biết em từ đâu đến. Ông hoàng bé nhỏ, vốn rất hay đặt câu hỏi cho tôi, lại dường như không bao giờ chú ý nghe tôi hỏi. Chỉ vì những tiếng ngẫu nhiên buột ra dần dần nói cho tôi hiểu mọi sự. Ví dụ như, khi lần đầu em thấy chiếc máy bay của tôi (tôi sẽ không vẽ chiếc máy bay đâu, bức vẽ đó quá phức tạp đối với tôi) em hỏi tôi:
– Cái thứ này là cái gì?
– Không phải cái thứ. Nó bay được đấy. Nó là một chiếc máy bay. Đó là chiếc máy bay của tôi.
Tôi tự hào nói cho em biết là tôi bay. Em liền kêu lên:
– Sao? Ông từ trên trời rơi xuống ư?
– Phải, tôi nói kiêm tốn.
– ái chà! Cái này ngộ đấy ...
Và ông hoàng bé nhỏ bật lên một tràng cười khanh khách rất kháu nhưng làm tôi cáu lắm. Tôi muốn ai cũng phải đánh giá một cách nghiêm túc mọi tai nạn của tôi. Sau đó em nói thêm:
– Thế là ông cũng từ trên trời rơi xuống! Ông ở hành tinh nào?
Tức thì tôi loé lên một tia sáng nào đó, về sự có mặt bí ẩn của em, và đột nhiên tôi hỏi:
– Thế ra em ở một hành tinh khác tới?
Nhưng em không trả lời tôi. Em khẽ lắc đầu nhìn chiếc máy bay của tôi:
– Nhưng mà ngồi trên cái đó thì ông cũng chẳng thể tới từ xa lắm đâu ...
Rồi em đắm mình trong giấc mơ màng thật dài. Sau đó, móc túi lấy con cừu tôi vừa vẽ, em lại mê mải ngắm cái của báu đó.
Các bạn hãy tưởng tượng tôi bị kích động như thế nào bởi lời thổ lộ nửa vời về "các hành tinh khác" ấy. Vì vậy, tôi cố tìm hiểu rõ hơn:
– Cậu bé ơi, em từ đâu đến? "Chỗ em" là đâu thế? Em muốn mang con cừu của ta về đâu?
Sau một lát im lặng trầm ngâm, em trả lời tôi:
– Có cái tốt là với cái thùng ông cho tôi, ban đêm con cừu có thể dùng nó làm nhà ở.
– Phải đấy. Và nếu em ngoan, ta sẽ còn cho em một sợi dây để buộc nó lại ban ngày. Và một cái cọc nữa.
Lời đề nghị đó có lẽ làm cho ông hoàng bé nhỏ không vừa lòng:
– Buộc nó lại? Nghĩ gì mà lạ thế!
– Nhưng không buộc nó lại, nó sẽ đi lung tung, nó sẽ đi lạc ...
Cậu bạn của tôi lại bật cười khanh khách:
– Nó đi đằng nào được chứ?
– Bất cứ đâu. Cứ đi thẳng tới trước mặt ...
Bấy giờ ông hoàng nhỏ nhận xét một cách nặng nề:
– Không hề gì. Chỗ tôi bé lắm!
Rồi, có lẽ với một chút ngậm ngùi, em nói thêm:
– Thẳng tới trước mặt người ta chẳng đi được bao xa đâu ...
IV
Vậy đấy, tôi biết được một điều nữa thật quan trọng: Rằng cái hành tinh quê hương của cậu em chỉ lớn hơn cái nhà một chút!
Điều ấy chẳng làm tôi ngạc nhiên nhiều lắm. Tôi vẫn biết ngoài những hành tinh lớn như Trái Đất, Sao Kim, Sao Hoả, Sao Thuỷ, mà người ta đặt tên cho, có hàng trăm ngôi sao khác mà đôi khi bé đến nỗi người ta chỉ thấy trong kính viễn vọng một cách khó khăn. Khi một nhà thiên văn khám phá ra một trong bọn chúng, nhà thiên văn ấy cho nó một con số. Ví dụ ông gọi nó là "tiểu hành tinh 3251".
Tôi có những lý do chính đáng để coi rằng cái hành tinh từ đó ông hoàng nhỏ đến đây là tiểu hành tinh B612. Tiểu hành tinh đó chỉ được trông thấy có một lần trong kính viễn vọng năm 1909, bởi một nhà thiên văn Thổ Nhĩ Kỳ.
Lúc đó ông này mở một buổi thuyết trình lớn về phát hiện của mình tại một Hội nghị Quốc tế về Thiên văn. Nhưng do bộ quần áo của ông ta, chẳng ai tin điều ông ta nói. Người lớn là thế đấy.
May mắn cho tiểu tinh cầu B612, một nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ buộc dân Thổ phi mặc âu phục, ai không tuân theo sẽ bị tội chết. Nhà thiên văn trình bày lại vấn đề năm 1920, trong bộ quần áo rất lịch sự. Và lần này, tất cả mọi người đồng ý với ông ta.
Nếu tôi kể với các bạn tỉ mỉ về tiểu tinh cầu B612, và nếu tôi tiết lộ với các bạn số hiệu của nó, ấy là tại các người lớn. Những người lớn rất thích chữ số. Khi bạn nói chuyện với họ về một người bạn mới, không bao giờ họ hỏi bạn về cái cốt yếu đâu. Họ không bao giờ hỏi: "Giọng nói hắn ta thế nào? Hắn thích chơi trò gì? Hắn có sưu tầm bươm bướm không?" Họ chỉ hỏi bạn: "Hắn ta bao nhiêu tuổi? Hắn ta có mấy anh em? Hắn ta cân nặng bao nhiêu?" Thế đấy. Sau đó, họ cho vậy là họ hiểu hắn ta rồi. Nếu bạn nói với những người lớn: "Tôi có thấy một cái nhà gạch mầu hồng với hoa phong lữ trên cửa sổ, và chim bồ câu trên mái ..." họ chẳng làm thế nào mà hình dung nổi cái nhà ấy như thế nào đâu. Phải nói với họ: "Tôi đã thấy một cái nhà 10 vạn franc". Họ sẽ kêu ngay: "Ôi thật xinh đẹp làm sao."
Như vậy đó, nếu các bạn bảo họ: "Ông hoàng bé nhỏ là có thật chứ, chứng cứ là cậu ta rất đẹp, cậu ta cười và cậu ta thích có một con cừu. Khi người ta thích có một con cừu, thế là có người ấy chứ!", họ sẽ nhún vai và cho bạn là trẻ con! Nhưng nếu bạn hỏi họ: "Cái hành tinh từ đó cậu ấy đi đến đây là tiểu tinh cầu B612", thế là họ nghe ra ngay, và thôi không phá quấy bạn với các câu hỏi của họ nữa. Họ là thế. Không nên giận họ. Trẻ con phải hết sức rộng lượng đối với người lớn.
Nhưng chắc chắn rằng đối với bọn ta là những người hiểu đời, chúng ta cóc cần những con số! Tôi đã rất thích bắt đầu kể câu chuyện này như kiểu một câu chuyện thần tiên. Tôi đã rất thích nói thế này:
"Xưa có một lần, một ông hoàng bé nhỏ ở trên một tinh cầu chỉ lớn hơn cậu ấy có một tí, cậu ấy thấy cần có một người bạn thân ...". Đối với những ai hiểu đời, kể như vậy có vẻ thật hơn nhiều.
Bởi vì tôi không muốn người ta đọc cuốn sách của tôi một cách hời hợt. Khi kể lại các kỷ niệm này, tôi buồn tủi biết bao. Sáu năm đã qua, từ khi cậu bạn tôi đi mất với con cừu của em. Nếu tôi cố gắng tả lại em ở đây, chính là để tôi không quên em. Thật là buồn nếu ta quên một người bạn. Có phải ai cũng có được một người bạn thân đâu. Và có lẽ tôi sắp trở nên những người lớn, chỉ còn thích các chữ số. Lại chính cũng vì thế nữa mà tôi đã mua một hộp màu nước và bút chì màu. Trở lại vẽ vời thật là khó, vào tuổi tôi bây giờ, khi mà người ta chưa hề vẽ gì ngoài con trăn khép kín với con trăn mở từ hồi lên sáu. Tôi sẽ cố thử, hẳn thế, làm những bức chân dung càng giống càng hay. Nhưng tôi không thành công chút nào. Một bức trước vứt đi, bức sau còn tệ hơn nữa. Tôi lại cũng có sai lầm về tầm vóc. Chỗ này thì ông hoàng nhỏ lớn quá. Chỗ kia em bé quá. Tôi cứ lần mò như thế này rồi như thế khác, khi được khi không. Cuối cùng tôi còn nhầm ở những nét quan trọng hơn nữa. Nhưng này, các bạn phải tha lỗi cho tôi. Bạn tôi không hề giảng giải gì cho tôi. Có lẽ em cho là tôi cũng như em. Nhưng tôi, buồn thay, tôi không biết cách nhìn thấy con cừu xuyên qua cái thùng. Có lẽ tôi hơi giống những người lớn rồi. Tôi đã già rồi.